Nghệ An: Gia tặng số ca mắc sởi và diễn biến phức tạp
Có mặt tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ngày 28 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, rất đông bệnh nhân đến khám bệnh, trong đó nhiều bệnh nhân mắc sởi. Có những bệnh nhi vừa xuất viện được khoảng 1 tuần sau điều trị tại khoa Hô hấp phải trở lại để điều trị bệnh sởi.
Hiện tại, tại Khoa Nhiệt đới – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vẫn đang có 50 trẻ mắc sởi điều trị, trong đó số trẻ ở thành phố Vinh chiếm tỷ lệ trên 50%. Tính từ ngày 1/7/2018 đến nay, đã có hơn 1.400 ca mắc sởi vào điều trị tại bệnh viện sản nhi Nghệ An. Trong số này, hơn 30% chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Có những bênh nhi bị suy hô hấp do sởi biến chứng.
Chia sẻ lý do chưa tiêm vaccine phòng sởi dù đã được khuyến cáo, chị Nguyễn Thị Hà ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương (có con đang điều trị bệnh sởi tại bệnh viện) cho biết: Sức khỏe cháu kém, hay bị ốm nên gia đình chưa có điều kiện đưa cháu đi tiêm vaccine phòng bệnh.
Hiện nay, tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố Vinh đều có trẻ mắc sởi. Điều đáng nói, các bệnh nhân mắc sởi hầu như không khám tại tuyến y tế cơ sở là trạm y tế hay bệnh viện thành phố, huyện mà đi thẳng đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, khiến nguy cơ lây lan bệnh sởi và lây chéo các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện rất lớn.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết thêm: Tại bệnh viện đã bố trí khu vực khám riêng cho các bệnh nhân có biểu hiện mắc sởi. Bên cạnh đó, chúng tôi phải ưu tiên làm các xét nghiệm nhanh và riêng biệt, tránh để bệnh nhân đi lại và lưu lâu ở khu chờ của khoa khám bệnh. Trường hợp nhẹ, chúng tôi kê đơn và hướng dẫn điều trị.
Hầu hết các trẻ mắc sởi đều được Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị tốt, không để xảy ra trường hợp nào tử vong, song có một số ít trường hợp rất nặng phải chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Thời điểm này diễn biến thời tiết phức tạp, thuận lợi cho virus phát triển. Bên cạnh đó, trẻ di dịch chuyển theo cha mẹ về quê ăn Tết và nhiều gia đình ngại đưa trẻ vào viện khiến nguy cơ lân lan dịch sởi trong cộng đồng là rất lớn.
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Tiến sỹ - Bác sĩ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An cho biết: Sở Y tế đã có công văn khẩn gửi các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch hữu hiệu. Cụ thể, các đơn vị làm tốt công tác điều trị bệnh nhân; Nắm bắt thông tin số liệu, phối hợp hệ điều trị và dự phòng để kịp thời điều trị các ca nặng và các khu vực có diễn biến phức tạp.
Về phía người dân, các phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng sởi, hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi: sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời cũng như thông báo với các cơ quan y tế. Phụ huynh không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo ở bệnh viện.
Hoài Thanh – Mạnh Thuận