Bạn đã thực sự ăn sáng đúng cách?
Bữa ăn sáng là yếu tố quyết định đến năng lượng hoạt động trong cả ngày của bạn. Không chỉ vậy, những gì bạn nạp vào buổi sáng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe dài lâu. Tuy nhiên, không phải ai cũng ăn sáng đúng cách.
Ăn sáng muộn
Đây cũng là thói quen mà nhiều cô nàng văn phòng thường mắc phải. Thói quen đến chỗ làm mới ăn sáng hoặc làm xong việc mới ăn sáng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa của bạn.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, những người có bữa ăn đủ dưỡng chất từ 6h đến 9h sáng có thể làm giảm nguy cơ béo phì. Hơn thế nữa, việc ăn sáng quá muộn có ảnh hưởng đến chất lượng của các bữa ăn khác, đặc biệt là bữa trưa.
Tốt hơn hết, bạn nên ăn sáng trong vòng 1 giờ sau khi thức dậy để cơ thể được cung cấp năng lượng sẵn sàng cho ngày mới năng động hơn.
Lưu ý, trước khi ăn sáng khoảng 20-30 phút, bạn nên uống một cốc nước ấm để thanh lọc cơ thể và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động.
Ăn không đủ no
Như đã nói, bữa sáng là bữa ăn quyết định chất lượng hoạt động trong cả ngày. Vì vậy, bạn cần chú ý về lượng thức ăn nạp vào trong bữa ăn đầu ngày.
Một số nghiên cứu về sức khỏe đã chỉ ra rằng, những người ăn sáng đủ no sẽ có chỉ số khối cơ thể thấp hơn những người có xu hướng ăn nhiều vào buổi trưa và bữa tối. Sở dĩ như vậy vì khi ăn sáng ít hoặc bỏ qua bữa sáng, bạn nhanh cảm thấy đói và dễ tiêu thụ thức ăn nhiều hơn vào hai bữa còn lại.
Bên cạnh đó, cơn thèm ăn khiến bạn dễ bị cuốn hút bởi nhiều món ăn vặt gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Một bữa sáng đầy đủ dưỡng chất giúp ổn định lượng đường huyết trong máu đồng thời giảm thiểu nguy cơ bệnh tiểu đường type II.
Vừa hoạt động vừa ăn
Với nhịp sống bận rộn như hiện nay thì đây là thói quen mà rất nhiều người mắc phải. Không thể phủ nhận việc vừa đi vừa ăn giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, nhưng lại không hề có lợi cho sức khỏe. Theo một số nghiên cứu khoa học. Những người làm nhiều việc trong lúc ăn uống sẽ có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn. Bởi lẽ, khi đồng thời vừa ăn vừa làm việc khác, bạn khó có thể chú ý vào bữa ăn cũng như lượng thức ăn nạp vào.
Điều này dẫn đến tình trạng lượng calo trong cơ thể tăng cao hơn. Thói quen ăn vội vàng mà không nhai kỹ lưỡng khiến bạn dễ mắc phải nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch. Để duy trì sức khỏe tốt, mỗi ngày bạn nên dành thời gian để tập trung ăn sáng.
Không ăn đồ có chất béo
Chất béo là nguyên nhân gây ra mỡ thừa và khiến bạn tăng cân. Quan niệm này không hoàn toàn đúng. Quả thật, chất béo chuyển hóa là không tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn không nên cắt giảm toàn bộ chất béo trong các bữa ăn hằng ngày. Bởi lẽ, các chất béo lành mạnh có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể, đồng thời còn kiểm soát sự buồn miệng, hạn chế cơn thèm ăn.
Một số loại thực phẩm chứa chất béo lành mạnh gồm quả bơ, các loại hạt, dầu ô liu, trứng, cá hồi…
Theo Người đưa tin