Cần tây giúp thanh nhiệt, mát gan, điều hòa huyết áp
Theo Đông y, cần Tây có vị ngọt đắng, tính lương mát. Vào 2 kinh vị và can. Có tác dụng bình can thanh nhiệt, mát gan, tỉnh não kiện thần (cải thiện thần kinh), nhuận phế chỉ khái (mát phổi cầm ho), khu phong lợi thấp (trừ phong thấp), chỉ huyết (cầm máu), giải độc. Có thể dùng trị tăng huyết áp, kèm theo các chứng trạng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, mặt hồng, mắt đỏ; xơ cứng mạch máu, thần kinh suy nhược, kinh nguyệt không đều...
Kết quả nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, cần Tây có tác dụng điều hòa huyết áp. Thích hợp với trường hợp tăng huyết áp - kèm theo các chứng trạng mà Đông y gọi là “can dương thượng cang” (mặt đỏ bừng, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, dễ nổi giận, ngủ không yên giấc, nằm mơ nhiều, mạch huyền sác...).
Chữa tăng huyết áp, mất ngủ, tiểu tiện sẻn: rau cần tây (tươi) 300g, bỏ rễ, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào máy xay sinh tố, xay lọc lấy nước, thêm mật ong vừa đủ. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 40ml, khi uống hâm nóng.
Chữa tăng huyết áp, kèm theo bệnh mạch vành tim, cholesterol máu cao: gốc cần Tây (tươi) 10 gốc, rửa sạch, giã nát, thêm hồng táo 10g, sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày; liệu trình 15-20 ngày.
Chữa mất ngủ: gốc rau cần Tây liền cả rễ 90g, toan táo nhân 9g (sao cháy đen), sắc nước uống.
Chữa nhức đầu: gốc rau cần liền cả rễ một nắm, rửa sạch, giã nát, xào với trứng gà, ăn ngày 2 lần.
Chữa phong thấp đau nhức, viêm khớp: Rau cần Tây tươi, giã vắt lấy nước cốt, thêm đường trắng vào, đun sôi lại, uống thay trà trong ngày.
Chữa sản hậu đau bụng: rau cần Tây tươi 300g (hoặc khô 60g), sắc lấy nước, thêm chút đường đỏ hoặc rượu trắng vào, uống lúc đói bụng.
Lưu ý: Nếu không có rau cần Tây tươi, có thể dùng rau cần Tây khô sắc nước uống. Có thể tự chế rau cần khô như sau: rau cần Tây tươi chần qua nước sôi, vớt ra phơi khô trong bóng mát, cất đi dùng dần. Khi thấy huyết áp đã trở lại bình thường, nên ngừng ngay, không nên dùng kéo dài.
Theo Sức khỏe&Đời sống
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin