Y tế

Cuộc chiến Covid-19 ở Bạch Mai: Gian khổ sẽ dành phần ai?

16:31, 30/03/2020
Hãy nghĩ về Bạch Mai không chỉ là vùng dịch cần được dập sớm nhất mà bởi ở đó còn có những con người "không chọn việc nhẹ nhàng" trên tuyến đầu chống dịch...

Tôi là một nhà báo. Tôi cũng là vợ của một bác sỹ. Anh ấy là một Trưởng khoa của bệnh viện tỉnh. Những ngày này, đọc những dòng tin về người nhiễm Covid-19 liên tục tăng lên mỗi ngày, trong đó cả những dòng tin về cách ly vùng dịch, có lẽ bạn cũng như tôi, thắt ruột vì lo lắng...

Hai tuần là cơ hội để cả nước bước vào cuộc chiến Covid-19, ngồi yên ở nhà, hạn chế di chuyển, gặp gỡ và tiếp xúc, để lực lượng chức năng làm việc, ngành y tế, quân đội, công an, nhà báo... làm việc... Bởi thế cho nên, khi nghe tin về Bệnh viện Bạch Mai đang cách ly vì trở thành vùng dịch với 21 người nhiễm, tính đến sáng nay, 30/3/2020, tôi càng thêm lo lắng, thương cảm. Nhiều năm qua, Bạch Mai là niềm tin, niềm hy vọng của xã hội, của biết bao bệnh nhân khi lâm bệnh trọng.

Tôi còn nhớ như in cảm giác bàng hoàng của mình khi từng có một ngày, chồng tôi bảo tôi rằng: Anh có nguy cơ dương tính với HIV khi anh ấy mổ cho một bệnh nhân HIV -AIDS. Thời gian chờ kết quả xét nghiệm đó là chuỗi ngày dài đằng đẵng với tôi và chồng tôi... Dù không hề nói chuyện với con vì lúc đó con chưa đủ lớn, nhưng đã có lúc tôi nghĩ khôn, nghĩ dại... Nếu anh ấy có mệnh hệ gì thì các con tôi và tôi sẽ ra sao??? Rồi tôi cố gắng  xua đuổi đi cảm giác tệ hại đó... Rằng gia đình mình phúc lớn, sẽ không sao cả... Thật may mắn, khi điều xấu nhất đã không xảy ra. Dù sau đó, tôi còn thêm mấy lần hú hồn nữa với anh ấy, khi thì máu của bệnh nhân bắn vào mắt, bắn cả vào quần áo mổ, thấm ướt cả quần áo mình... Và tôi càng ngày càng hiểu rằng: Nghề y là một nghề nguy hiểm và có tỷ lệ phơi nhiễm rất cao, dù có bảo hộ đến mấy nhiều khi cũng khó mà tránh được rủi ro... Dù hơn ai hết, họ rất hiểu quy tắc phòng các bệnh truyền nhiễm, am tường việc sát trùng, diệt khuẩn và cả cự ly tiếp xúc...

Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh viện Bạch Mai.
Hãy khoan chưa nói về những bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai và nguồn lây nhiễm. Bởi trách móc cũng chẳng giải quyết được gì vào thời điểm này, chỉ có thể đưa ra những giải pháp để đối phó với Covid-19 rất có thể bùng phát 2 tuần sắp tới. Nhưng có 1 điều rằng: Cuộc chiến Covid-19 ở Bạch Mai sẽ khốc liệt nhất, quyết liệt nhất, bởi đó là cuộc chiến của những chiến binh áo trắng với con virus đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhân loại.

Bạch Mai là một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam, là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, chuyên sâu về nội khoa, điển hình là các lĩnh vực: tim mạch, hồi sức - cấp cứu - chống độc, thần kinh, y học hạt nhân và ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, hoá sinh, vi sinh với những y, bác sỹ đầu ngành cả nước, có trình độ khoa học - kĩ thuật ngang tầm các nước trong khu vực và quốc tế.

Bởi vậy, nên khi bệnh viện Bạch Mai trở thành khu cách ly lớn nhất ở Hà Nội và ngừng đón bệnh nhân đến khám chữa bệnh từ 28/3, nhiều người xáo trộn tâm tư khi nghĩ về một cuộc chiến cam go của những người tuyến đầu, thậm chí có thể phải đánh đổi cả tính mạng như những lời gan ruột của TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: "Tình huống xấu nhất xảy ra là chẳng may nhân viên y tế dương tính, bị cách ly rồi bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong, ngày đi làm ấy là ngày cuối cùng nhìn thấy mặt gia đình. Nhưng không một nhân viên nào làm đơn xin nghỉ không lương".

Trên thế giới, đã có rất nhiều nhân viên y tế nhiễm Covid-19 theo cách không mong muốn khi buộc phải tiếp xúc, điều trị với bệnh nhân, có nhiều người đã mất.

Cuộc chiến chống Covid-19 ở Bạch Mai trong những ngày tới làm ta nghĩ về cuộc chiến với bệnh SARS của các y, bác sỹ bệnh viện Việt- Pháp 17 năm về trước. Dẫu sau đó, họ đã khống chế thành công đại dịch. Nhưng 6 y, bác sỹ đã ra đi, trong đó có 1 bác sỹ người Pháp. Những tấm gương hy sinh của các y bác sỹ trong dịch SARS đã dựng lên trong ta những tượng đài về y đức, mãi mãi được nhân dân tri ân, tôn vinh và ghi nhớ.

  

Sinh nghề, tử nghiệp. Câu nói này đã nói lên phần nào trách nhiệm chữa bệnh cứu người chính là thiên chức, trọng trách của các y bác sỹ. Họ hơn ai hết chính là những người cần được quan tâm, chăm sóc, động viên, ủng hộ và chia sẻ. Cộng đồng vui mừng xiết bao khi tin vui đầu tiên 5000/7000 xét nghiệm ở Bạch Mai cho kết quả âm tính dù mọi thứ mới chỉ là bắt đầu. Những nguy cơ đầu tiên về lây lan Covid-19 từ Bạch Mai ra cộng đồng cũng đã được cảnh báo, khi đã có nhiều ngàn người các tỉnh đi khám bệnh hay chăm sóc người nhà tại đây...

Hãy nghĩ về Bạch Mai không chỉ là vùng dịch cần được dập sớm nhất mà bởi ở đó còn có những con người "không chọn việc nhẹ nhàng", trên tuyến đầu chống dịch... Họ phải được an toàn nhất, chiến thắng Covid-19 sớm nhất và nhanh nhất, bởi họ sẽ là "khắc tinh" duy nhất của Covid-19 và nhiều bệnh tật khác, bởi hàng ngàn bệnh nhân đang chờ bệnh viện an toàn trở lại. "Gian khổ sẽ dành phần ai"nếu không phải là dành cho chính họ trong cuộc chiến chưa biết khi nào kết thúc này?

Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện