Chiều 25/7, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết bệnh nhân 416 được can thiệp ECMO tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Theo PGS Sơn, bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 18/7, bắt đầu có biến chứng nặng của hội chứng suy hô hấp tiến triển do "cơn bão Cytokine" (cơ thể phản ứng quá mức đối với các kích thích từ bên ngoài, hệ miễn dịch tiết ra chất làm tổn hại tế bào).
Khi bệnh nhân có diễn biến nặng, Tiểu ban Điều trị đã tổ chức cuộc hội chẩn quốc gia lần 1 để tìm biện pháp điều trị tốt nhất. Nhiều chuyên gia đã tham gia điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh cũng có mặt tại cuộc hội chẩn này như GS Nguyễn Gia Bình, GS Ngô Quý Châu (Bệnh viện Bạch Mai), các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy...
Ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đến Đà Nẵng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân 416. |
Trưa 24/7, BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, người trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân 91, đã có mặt ở Đà Nẵng để hỗ trợ các đồng nghiệp.
Ê-kíp của Bệnh viện Chợ Rẫy còn có bác sĩ Ngô Việt Anh, điều dưỡng Nguyễn Văn Hải. Đây là các nhân viên y tế đã thực hiện can thiệp ECMO cho bệnh nhân 91 những ngày đầu.
Bệnh nhân số 416 là nam, 57 tuổi, thường trú tại tổ 51, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ngày 17/7, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, đến ngày 20/7, nhập Bệnh viện C Đà Nẵng với triệu chứng sốt nhẹ, chụp X-quang có tổn thương phổi dạng viêm. Bệnh nhân vừa được công bố mắc Covid-19 vào trưa 25/7.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết ECMO là kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy để lấy máu người bệnh ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp oxy và thải carbonic, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim người bệnh. Đây là hệ thống hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể phức tạp. Nhờ phổi nhân tạo, phổi bệnh nhân được nghỉ ngơi nên giảm tràn khí và có tiến triển tốt lên. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin