Sức khỏe

Một nhân viên y tế bị phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19

22:09, 10/05/2021
Bộ Y tế chiều 10/5 công bố một nhân viên y tế tại Đà Nẵng bị phản vệ sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Theo Bộ Y tế, người bị phản vệ là nữ điều dưỡng 31 tuổi, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng, đã được khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng. Sau khi tiêm, bệnh nhân bị ù tai, khó thở, đã được xử lý theo đúng phác đồ, cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. Tình trạng hiện tại của bệnh nhân là đang an thần, thở máy, huyết động ổn định nhờ các thuốc vận mạch.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết nữ nhân viên y tế này bị phản vệ ngay sau tiêm vaccine Covid-19 vào sáng 10/5.

"Nhờ xử lý tình huống ngay tức khắc nên hiện tại bệnh nhân đã tạm ổn, đang nằm hồi sức", bác sĩ Nhân nói.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết tác dụng phụ của việc tiêm vaccine không ai mong muốn. Vaccine Covid-19 mới và chưa được đánh giá toàn diện, nên khi tiêm chủng Sở Y tế đã hạn chế không cho tiêm ở các trạm y tế và các điểm không có giường bệnh.

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, tổng số liều vaccine được Bộ Y tế phân bổ trong đợt 2 là 7.200 (tương đương 720 lọ), dự kiến tiêm cho 8.424 người. Đơn vị thực hiện tiêm là CDC Đà Nẵng. Người được tiêm là lực lượng tuyến đầu chống dịch, thời gian từ ngày 5 đến 10/5.

Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 do hãng AstraZeneca sản xuất, từ ngày 8/3. Tính đến nay, cả nước tổng cộng đã tiêm đợt 1 và 2 được hơn 851.000 liều vaccine phân bổ, đạt 93% kế hoạch. Người được tiêm thuộc đối tượng ưu tiên, là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 6/5 cho biết đánh giá trên 600.000 người đã tiêm vaccine Covid-19, 16% có phản ứng thông thường sau tiêm. Những phản ứng này mất đi sau 24 giờ tiêm. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nước, theo Bộ trưởng. Một vài trường hợp có phản ứng nặng hơn đã được các bác sĩ xử lý ổn định.

Tuần trước, một nhân viên y tế ở An Giang tử vong sau tiêm vaccine Covid-19 do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện