Khuya 12-6, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã có tổng cộng 22 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2.
Đây là đơn vị tuyến đầu chống dịch ở phía Nam, được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine AstraZeneca (Anh) phòng COVID-19 cho khoảng 900 nhân viên. Đến nay, tất cả nhân viên đều đã hoàn thành xong mũi 2 vaccine. Được biết, đợt tiêm vaccine lần 1 diễn ra vào ngày 8-3 và đợt 2 hoàn thành từ giữa đến cuối tháng 4.
Chia sẻ về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 rồi vẫn mắc bệnh, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy cho biết sau khi tiêm đủ mũi vaccine, tác dụng của vaccine chưa thể phát huy ngay mà cần có thời gian để cơ thể sản sinh lượng kháng thể đủ chống lại virus (tùy theo mỗi loại vaccine).
Nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang được tiêm ngừa vaccine COVID-19. |
“Tiêm ngừa vaccine không thể bảo vệ người được tiêm khỏi mắc bệnh. Vaccine cũng như bất kỳ loại thuốc nào, đều có hiệu quả bảo vệ dao động từ 75% đến 90% hoặc 95% mà thôi. Chẳng hạn 100 người tiêm thì chỉ có khoảng từ 75 đến 95 người phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh, còn lại từ 5 đến 25 người mặc dù tiêm ngừa rồi vẫn nhiễm bệnh do không tạo ra kháng thể đủ chống lại virus sau khi tiêm. Ngay cả những người đã từng mắc COVID-19 rồi cũng có thể bị mắc lại, do vậy không có gì là tuyệt đối cả. Chính vì vậy, việc phòng chống bệnh sau khi tiêm vaccine phụ thuộc vào việc tạo ra lượng kháng thể đủ để chống lại bệnh của mỗi người.” – BS Hùng phân tích.
Tuy nhiên, theo BS Hùng tiêm vaccine có nhiều ích lợi là giúp người bệnh nếu mắc phải bệnh tránh được diễn tiến trở nặng. Bên cạnh đó, khả năng mắc bệnh của người từng tiêm vaccine do thấp hơn người chưa tiêm nên bảo vệ được cho những người xung quanh. Ví dụ một bác sĩ làm trong BV bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân, khi tiêm vaccine phòng tránh được nguy cơ nhiễm bệnh thì sẽ không mang mầm bệnh về lây cho những người ở nhà.
Trong một cộng đồng, nếu tỉ lệ tiêm vaccine hàng loạt lên 70-80% người dân thì cả cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, ở đây là virus gây dịch COVID-19.
“Do đó, người dân không nên chủ quan, để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh, bên cạnh tiêm vaccine phải kết hợp với các biện pháp khác, mà hiện nay 5K đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả, rẻ tiền, có sẵn và dễ thực hiện. Kể cả những người không có kháng thể hoặc tiêm ngừa rồi không có đủ kháng thể phòng ngừa bệnh thì 5K sẽ giúp phòng chống nhiễm bệnh.” – BS Hùng lưu ý.
Đại diện của hãng sản xuất vaccine AstraZeneca cho biết, sau hai liệu trình thử nghiệm, vaccine COVID-19 AstraZeneca được chứng minh dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19.
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy, từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine của AstraZeneca giúp bảo vệ tối đa khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19. Trong 90 ngày sau liều đầu tiên, hiệu lực của vaccine đạt được 76% và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vaccine tăng lên 81%. Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin