Một số nhà khoa học gọi hiện tượng này là "siêu miễn dịch". Với Shane Crotty, chuyên gia về miễn dịch trên người, khả năng chống chịu virus corona cao đột biến ở một số người được ông gọi với cái tên "miễn dịch hỗn hợp".
"Về tổng thể, miễn dịch hỗn hợp trước virus SARS-CoV-2 cho thấy tiềm năng đáng kinh ngạc", ông Crotty viết trên tạp chí khoa học Science.
Miễn dịch hỗn hợp
Vài tháng qua, hàng loạt nghiên cứu đã phát hiện một số người có phản ứng miễn dịch mạnh đặc biệt khác thường trước virus SARS-CoV-2.
Theo các nhà khoa học, người có hệ miễn dịch hỗn hợp là người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, sau đó được tiêm vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer hoặc Moderna.
Cơ thể họ không chỉ chỉ tạo ra lượng kháng thể lớn, những kháng thể ấy có độ linh hoạt cao, có khả năng chống chọi nhiều loại biến chủng đang hoành hành trên thế giới, và dường như cũng sẽ phát huy hiệu quả trước bất cứ biến chủng nào xuất hiện trong tương lai.
"Có lý do để tin rằng những người này được bảo vệ hiệu quả trước phần lớn, thậm chí là tất cả biến chủng SARS-CoV-2 mà chúng ta có thể phải đối mặt trong tương lai", Paul Bieniasz, chuyên gia về virus từ Đại học Rockerfeller, nói.
Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 8, ông Bieniasz và các cộng sự phát hiện kháng thể ở những người này có khả năng trung hòa rất mạnh 6 biến chủng nằm trong danh sách quan ngại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gồm cả biến chủng Delta và Beta.
Virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP. |
"Nhận xét này có thể mang tính dự đoán, nhưng tôi cho rằng cơ thể những người này có mức độ bảo vệ nhất định trước các virus giống với virus SARS còn chưa lây nhiễm cho người", ông Bieniasz nói.
Theodora Hatziioannou, chuyên gia virus Đại học Rockerfeller, cho rằng nhóm này là những đối tượng chống chịu hiệu quả nhất trước virus SARS-CoV-2.
"Những người này có phản ứng đáng kinh ngạc với vaccine. Kháng thể trong máu họ thậm chí có thể trung hòa được virus SARS-CoV-1, chủng virus corona từng gây ra đại dịch SARS 20 năm trước. Virus này rất khác virus SARS-CoV-2", giáo sư Hatziioannou nhận xét.
Thực tế, những kháng thể này thậm chí có thể vô hiệu hóa được loại virus đã được con người sửa đổi để chống lại hệ miễn dịch. Virus này mang trên mình 20 đột biến có khả năng ngăn chặn kháng thể của con người bám dính vào chúng.
Kháng thể từ những người chỉ tiêm vaccine hoặc chỉ mắc Covid-19 trước đó trở nên vô dụng trước loại virus nói trên. Nhưng kháng thể từ người có miễn dịch hỗn hợp vô hiệu hóa được chúng.
Phát hiện này cho thấy vaccine sử dụng công nghệ mRNA phát huy hiệu quả mạnh mẽ đối với người từng mắc Covid-19 trước đó, bà Hatziioannou cho biết.
"Nhiều nghiên cứu hiện tập trung vào mục tiêu tìm ra loại vaccine bảo vệ cơ thể trước các biến chủng có thể xuất hiện trong tương lai. Nghiên cứu này cho thấy, về mặt kỹ thuật, chúng ta đã có loại vaccine đó", bà Hatziioannou nói.
Mặc dù vậy, vẫn có rủi ro ở chỗ để có miễn dịch hỗn hợp, con người đầu tiên cần phải bị lây nhiễm virus corona.
"Sau khi bị lây nhiễm tự nhiên, kháng thể dường như sẽ tiến hóa, chúng không chỉ mạnh hơn mà còn có độ phủ rộng hơn, nhạy hơn trước các đột biến của virus", bà Hatziioannou cho biết.
Còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ
Các nhà khoa học lúc này vẫn chưa chắc chắn tất cả những người từng mắc Covid-19, sau đó tiêm vaccine mRNA, đều có hệ miễn dịch mạnh mẽ trước virus SARS-CoV-2. Nhóm của bà Hatziioannou mới chỉ nghiên cứu trên nhóm 14 bệnh nhân.
"Chúng tôi mới chỉ có thể nghiên cứu ở quy mô hạn chế, bởi nghiên cứu này tốn rất nhiều công sức và phức tạp. Nhưng ở tất cả bệnh nhân, chúng tôi đều thấy cùng một hiện tượng", bà Hatziioannou nói.
Nhiều nghiên cứu cũng có kết quả củng cố nhận định người từng mắc Covid-19, sau đó tiêm vaccine mRNA, có hệ miễn dịch mạnh trước các biến chủng virus.
Một người Israel được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: AFP. |
Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The New England Journal of Medicine tháng trước, các nhà khoa học tiến hành xét nghiệm những người từng mắc virus SARS từ năm 2002 và 2003, sau đó được tiêm vaccine mRNA trong năm nay.
Đáng chú ý, những người này cũng sản sinh một lượng kháng thể rất lớn có khả năng vô hiệu hóa các biến chủng của virus giống với virus SARS, trong đó có biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2.
Hiển nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Ví dụ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu con người mắc Covid-19 sau khi tiêm vaccine? Hoặc liệu người chưa từng nhiễm virus corona và được tiêm mũi vaccine nhắc lại sau khi đã tiêm đủ liều có phát triển hệ miễn dịch hỗn hợp hay không.
Giáo sư Hatziioannou nói bà hiện chưa thể trả lời những câu hỏi nói trên.
"Tôi nghĩ mũi vaccine nhắc lại sẽ giúp kháng thể tiến hóa, và có lẽ giúp chúng linh hoạt hơn trước các đột biến, nhưng hiện không thể biết cơ chế này có giống với tiêm vaccine sau khi nhiễm virus tự nhiên hay không", bà Hatziioannou nói.
John Wherry, chuyên gia về virus Đại học Pennsylvania, tỏ ra lạc quan trước kết quả của các nghiên cứu mới được công bố.
"Trong nghiên cứu của chúng tôi, một số kháng thể tiến hóa trong cơ thể của những người chỉ tiêm vaccine, quá trình này diễn ra nhanh hơn ở những người nhiễm virus tự nhiên", ông Wherry cho biết.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Pennsylvania được xuất bản hồi tháng 8. Trong nghiên cứu này, các đối tượng chỉ tiêm 2 mũi vaccine. Cơ thể họ sau đó sản sinh ra kháng thể nhận diện hiệu quả hơn các biến chủng đáng lo ngại.
Mũi vaccine tăng cường nhiều khả năng thúc đẩy sản sinh kháng thể cũng như khiến chúng tiến hóa mạnh hơn, ông Wherry nói.
"Những phát hiện này cho thấy có vẻ như hệ miễn dịch cuối cùng cũng sẽ chiến thắng virus. Và nếu chúng ta may mắn, virus SARS-CoV-2 cuối cùng sẽ được đưa vào danh mục các virus tương tự như những loại gây ra cảm cúm", giáo sư Bieniasz cho biết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin