Bí quyết bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng 40 độ C
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, chúng ta nên có các biện pháp sau đây.
“Trú ẩn” nơi bóng mát
Hạn chế thời gian đi ra ngoài trời, tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều.
Khi đi ra ngoài trời, nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành.
Với những người lao động, công việc bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ mỗi giờ một lần, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.
Uống nhiều nước
Thời tiết nóng bức khiến cơ thể rất dễ bị mất nước. Để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ Hậu khuyên mọi người nên chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống.
“Chúng ta nên uống các loại nước vừa cung cấp nước và muối khoáng”, bác sĩ Hậu khuyên. Cụ thể, các loại nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải, nước chanh có pha muối, đường…
Không thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột
Thời tiết nắng nóng, nhiều người lại bị các bệnh về đường hô hấp, cảm… lạnh.
Theo bác sĩ Hậu, nguyên nhân là do mọi người có xu hướng ở trong các phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt, uống thức uống lạnh hay có đá… Những hoạt động như vậy vô tình làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp. Việc này sẽ làm cho các vi trùng có lợi cho cơ thể chết đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập gây các bệnh lý như: nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên…
Đặc biệt, cần chú ý không để cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột khi vừa ở ngoài trời nắng vào ngay phòng máy lạnh. Khi ở môi trường nhiệt độ cao, cơ thể đang đổ mồ hôi, các lỗ chân lông mở ra, lại tiếp xúc ngay với môi trường nhiệt độ thấp, lạnh sẽ dễ gây cảm… lạnh.
Những người thể chất yếu, có thể bị sốc nhiệt, choáng váng, ngất xỉu khi thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường phòng lạnh ra nắng nóng và ngược lại.
Người dân cần chú ý, khi ở ngoài trời nắng nóng vào phòng, cần để máy điều hòa lạnh từ từ, không giảm ngay nhiệt độ xuống quá thấp, hoặc nên nghỉ ngơi một chút ở chỗ mát rồi hãy vào phòng lạnh.
Đặc biệt, bác sĩ Hậu lưu ý không nên tắm ngay khi ở ngoài trời nắng nóng về cũng như thời tiết nóng cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày, để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe.
“Chúng ta nên nghỉ ngơi, để khô mồ hôi khoảng 30 phút. Cơ thể đang ở ngoài nắng, nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột thì trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục, không tốt cho sức khỏe”, bác sĩ Hậu giải thích.
Chú ý vệ sinh ăn uống
Theo bác sĩ Hậu, trong thời tiết nóng bức hay trong thời điểm giao mùa, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián… Đây là điều kiện thuận lợi dễ dẫn đến các bệnh đường tiêu hoá (đau bụng, tiêu chảy,…), dễ gây ngộ độc thực phẩm đặc biệt là các vụ ngộ độ tập thể.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chú ý bảo quản thức ăn, vệ sinh ăn uống, không ăn uống các thực phẩm chế biến để lâu, thức ăn đường phố, bán “phơi” ngoài trời.
Chống nắng và vệ sinh da
Nắng nóng, với chỉ số tia UV cao cũng là “sát thủ” của da. Theo thạc sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Tiếp xúc với tia UV là yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề trên da, đặc biệt là rối loạn tăng sắc tố da và lão hóa da, sốc nhiệt, bỏng da, thậm chí ung thư da.
Cần chống nắng, bảo vệ da bằng cách bôi kem chống nắng (SPF trên 30). Mặc áo chống nắng, quần áo dài tay, đội nón, đeo khẩu trang để che chắn da khi ra ngoài trời nắng. Đeo kính râm bảo vệ mắt.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hậu nói thêm chúng ta cũng nên chú ý đến các bệnh lý về da. Khi nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi, chất bã nhờn. Đặc biệt là ở trẻ em hay người già lớn tuổi mắc các bệnh phải nằm lâu sẽ dễ bị hăm, lở loét, các vi nấm mọc nhiều hơn ở các vùng kẽ da như nách, bẹn… Vì vậy, cần vệ sinh da, tắm hằng ngày.
Phòng bệnh truyền nhiễm
“Một số bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, tay chân miệng cũng thường xuất hiện trong thời gian này”, bác sĩ Hậu khuyến cáo.
Qua đó, bác sĩ khuyên, đối với trẻ ở độ tuổi cấp 1 hay cấp 2, cha mẹ cần chú ý kiểm tra lịch chích ngừa phòng bệnh cho trẻ. Tốt nhất, sau 3-5 năm, chúng ta nên chích ngừa nhắc lại cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng.
Theo TNO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin