Các bệnh thường gặp

9 điều cần biết để không mắc bệnh viêm phổi lạ từ Trung Quốc

08:03, 21/01/2020
Bệnh viêm phổi cấp do virus corona xuất phát từ Trung Quốc đang lan rộng ra nhiều nước châu Á, nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam trong dịp Tết rất lớn.

Bộ Y tế cho biết chủng Coronavirus mới xuất hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019 gây bệnh viêm phổi đang khiến nhiều người dân lo lắng. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu loại virus này.

Tại sao đây là căn bệnh nguy hiểm?

Theo các bác sĩ, virus corona gây bệnh viêm phổi lạ xuất hiện ở Trung Quốc có thể liên quan đến loại virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng bùng phát năm 2002 khiến 8.000 người lây nhiễm, 916 người tử vong và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) gây tử vong cho khoảng 851 người trên toàn cầu.

Virus corona có nhiều loại khác nhau gây các bệnh cảm lạnh từ thông thường đến bệnh SARS nguy hiểm. Một vài loại coronavirus có thể lây nhiễm sang người. Nhiều người lo ngại virus corona có họ hàng với virus SARS, nếu bùng phát thành dịch lớn, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh đang bùng phát như thế nào?

Đến 20/1, Trung Quốc thông báo ghi nhận thêm nhiều 139 trường hợp bị viêm phổi do virus corona và 3 người thiệt mạng. Song, các nhà nghiên cứu cho rằng số người nhiễm có thể đông hơn gấp nhiều lần số liệu công bố.

Trước đó, Nhật Bản và Thái Lan xác nhận có trường hợp lây nhiễm virus corona từ Vũ Hán. Giới chức y tế trên khắp châu Á đang nỗ lực dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm phổi do chủng virus này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch quy mô lớn hơn trong bối cảnh Tết Nguyên đán 2020 có hơn 1 tỷ người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.

 
Hệ thống kiểm tra thân nhiệt của du khách tại sân bay Hong Kong. 

Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh

Một số triệu chứng viêm phổi cấp ở Trung Quốc dễ nhận biết đó là sốt, ho, một vài người cảm thấy khó thở. Kết quả chụp phổi cho thấy phổi có tổn thương, nhiều trường hợp nặng có thể suy thận, suy đa tạng.

Ngoài ra, người bệnh có dấu hiệu sốt và có các triệu chứng bệnh lý hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, viêm phổi... từ nhẹ đến nặng. Đặc biệt, bệnh nhân có mặt tại các cơ sở y tế ở các vùng dịch tễ đã xác định có các ca mắc bệnh do virus corona mới liên quan chăm sóc y tế, nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Ai có khả năng mắc bệnh?

Theo Bộ Y tế, các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona mới bao gồm:

- Người bị sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng.

- Người bệnh sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.

- Người tiếp xúc vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.

- Người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới.

- Người bệnh có các biểu hiện lâm sàng, X-quang hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh phù hợp với các triệu chứng của bệnh viêm phổi lạ.

Một số trường hợp khác có thể mắc bệnh thông qua bằng chứng dịch tễ và lâm sàng, bao gồm người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm bao gồm những người chăm sóc bệnh nhân (nhân viên y tế, gia đình, người thăm bệnh).

Làm gì khi phát hiện người có dấu hiệu nhiễm bệnh?

Bộ Y tế cho biết hiện viêm phổi lạ chưa có vắc xin phòng ngừa. Do đó, khi phát hiện người có dấu hiệu sốt từng tiếp xúc với ca bệnh hoặc di chuyển đến vùng dịch tễ, phải lập tức cách ly, theo dõi sát và báo cáo lên cơ quan y tế.

Các ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể mắc bệnh đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán. Ngoài ra, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ cần nhập viện theo dõi, cách ly hoàn toàn.

Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

Bộ Y tế cho biết viêm phổi do virus corona gây ra được chẩn đoán bằng kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản. Viêm phổi do virus corona gây ra được phân biệt với cúm nặng (cúm A/H1N1, cúm gia cầm A/H5N1, SARS, MER và viêm phổi không điển hình do căn nguyên khác…

Theo Viện Pasteur TP.HCM, về lâm sàng, không dễ phân biệt bệnh viêm phổi mới này với các bệnh lây qua đường hô hấp có biểu hiện tương tự. Việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của người nghi ngờ mắc bệnh thường có kết quả trong khoảng 3 ngày nhưng thời gian tới có thể rút ngắn.

Bệnh điều trị như thế nào?

Người mắc bệnh hoặc nghi ngờ cần nhập viện theo dõi, cách ly hoàn toàn. Bộ Y tế cho biết do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên các cơ sở y tế chỉ điều trị triệu chứng, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác.

Mức độ nhẹ, bệnh nhân được phát hiện và kiểm soát tình trạng suy hô hấp và hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ chức năng các cơ quan, truyền tĩnh mạch ở mức độ nặng. Ngoài ra, bệnh nhân được dùng thuốc giảm ho, hạ sốt, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm, bảo bảo dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết và điều trị bệnh nền nếu có.

Điều kiện để được xuất viện khi nghi ngờ mắc bệnh?

Người bệnh chỉ được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn bao gồm hết sốt ít nhất 3 ngày; mạch, huyết áp, nhịp thở trở về bình thường; X-quang phổi cải thiện, chức năng thận trở về bình thường.

Sau xuất viện, người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C hoặc có dấu hiệu bất thường phải đến khám lại ngay nơi đã điều trị.

Cách phòng chống lây nhiễm bệnh

Để phòng chống lây nhiễm ngoài cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi ra ngoài và hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh viêm phổi, viêm hô hấp.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch chứa cồn. Che mũi, miệng khi ho và hắt hơi, vứt khăn giấy lau mũi, miệng và thùng có nắp đậy. Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ. Không hút thuốc lá. Vệ sinh môi trường sống, tránh tiếp xúc nơi tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, động vật hoang dã và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Đối cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân. Thực hiện tốt biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, tổ chức khu vực cách ly, phòng ngừa cho người bệnh và khách đến thăm.

Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm đối với cán bộ y tế, thân nhân người bệnh và các bệnh nhân khác tại cơ sở điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Theo Zing

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện