Khi làm việc với các thiết bị có màn hình, ở cự ly gần trên 7 giờ/ngày thì tiến triển của cận thị sau 5 năm là khoảng 70% sẽ mắc cận thị, nếu chưa cận thị thì sẽ cận thị, nếu đã cận thị rồi thì sẽ tăng số tương ứng với cường độ và thời gian làm việc bằng các loại màn hình.
Nhằm ứng phó với tình trạng học sinh phải nghỉ học kéo dài, quy mô lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học đã tổ chức dạy học trực tuyến giúp học sinh củng cố kiến thức. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo việc học tập thông qua các thiết bị điện tử trong nhiều giờ đồng hồ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến mắt của trẻ.
Vậy học trực tuyến như thế nào để mang lại hiệu quả mà không gia tăng nguy cơ cận thị ở trẻ? Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.BS Hoàng Cương - Phó trưởng ban Thông tin Tuyên truyền, Bệnh viện Mắt Trung ương.
Ảnh minh họa - Nguồn: internet |
PV: Hiện nay, các trường học trên cả nước đều chuyển sang hình thức trực tuyến để đảm bảo chương trình học vì dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp. Vậy việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử liên tục trong thời gian dài liệu có làm gia tăng nguy cơ cận thị ở trẻ?
TS.BS Hoàng Cương: Như chúng ta đã biết, thời lượng làm việc bằng mắt với các loại máy tính, màn hình chỉ được cho phép dưới 5 giờ/ngày. Nhưng với tình trạng học hành của các cháu trong giai đoạn này thì tôi thấy là phải lên đến 7 – 8 giờ, thậm chí là nếu các cháu lại giải trí tiếp bằng các thiết bị có màn hình thì thời lượng có thể lên tới 10-12 giờ/ngày. Như thế rất đáng ngại cho mắt của trẻ.
Theo các nghiên cứu, khi chúng ta làm việc với các phương tiện có màn hình, ở cự ly gần trên 7 giờ/ngày thì tiến triển của cận thị sau 5 năm thì khoảng 70% sẽ mắc cận thị, nếu chưa cận thị thì sẽ cận thị, nếu đã cận thị rồi thì sẽ tăng số tương ứng với cường độ và thời gian làm việc bằng các loại màn hình.
PV: Khi học online, học sinh cần lưu ý những điều gì để tránh gây hại cho mắt?
TS.BS Hoàng Cương: Chúng ta cần phải lưu ý 2 vấn đề, thứ nhất là thời gian làm việc bằng mắt, thời gian học hành của con cái, tổng lượng học hành của các cháu bằng các thiết bị có màn hình đừng quá 5 tiếng/ngày.
Thứ hai, cần xem lại các trang thiết bị ở trong nhà, đừng cho các cháu dùng bất kỳ thứ gì có trong nhà mà cần chọn những thiết bị có kích thước màn hình lớn, ký tự lớn để con học dễ dàng hơn.
Ngoài ra, cần lưu ý bàn ghế ngồi học của con, nhất là khi con sử dụng máy tính bàn của bố mẹ để làm việc, đừng để các cháu bị ngồi thấp quá so với bàn làm việc, màn hình quá cao, sẽ rất hại cho mắt và mỏi mắt nhanh.
Chúng ta cũng hạn chế hiện tượng màn hình bị phân dọc bởi sáng tối khác nhau. Nếu để máy tính ở gần cửa sổ, gần các nguồn chiếu sáng thì màn hình hay bị phân cực của ánh sáng, gọi là kẻ sọc của màn hình. Vì thế, chúng ta phải giảm ánh sáng ở trong phòng hoặc chuyển màn hình sang những nơi có chiếu sáng tốt hơn.
Bên cạnh đó, khuyến cáo là góc nhìn màn hình nên chếch góc 15 độ, không được để ngang mặt hay cao quá đối với trẻ. Cự li khi sử dụng màn hình nên là 1,5 lần đường chéo của màn hình đó, tức là khoảng 60 – 80 cm với laptop và desktop.
Còn với thiết bị Ipad hay điện thoại thông minh thì cự li sẽ phải gần hơn nhưng theo tôi các phụ huynh nên hạn chế cho con sử dụng các thiết bị này vì màn hình quá bé, gây mỏi mắt.
PV: Vậy các bậc phụ huynh cần bổ sung chế độ dinh dưỡng ra sao để giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt của con em mình?
TS.BS Hoàng Cương: Các loại thức ăn bổ cho mắt thì có hải sản, thực phẩm, hoa quả có màu đỏ, xanh đậm chứa nhiều vitamin A, E.
Thứ hai là do các cháu phải học qua màn hình với cường độ cao nên dễ bị khô mắt gây mỏi mắt, mất tập trung nên phụ huynh cần chú ý đến dinh dưỡng hoặc bổ sung nước mắt nhân tạo cho trẻ.
Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý đến việc nghỉ ngơi của trẻ, khi học khoảng 2 tiếng thì nên nghỉ khoảng 10 phút vì việc nghỉ cách quãng rất quan trọng.
PV: Vâng xin cảm ơn bác sĩ./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin