Nước Mỹ chia rẽ và sự quay lưng của đồng minh tại Hội nghị Munich
Sự chia rẽ của nước Mỹ và bài phát biểu “vắng tiếng vỗ tay”
Tại Hội nghị An ninh Munich 2019, Mỹ đã gửi phái đoàn lưỡng đảng lớn nhất từ trước tới nay tham dự. Các nhà lập pháp Mỹ nói rằng, đó là một thông điệp gửi tới các đối tác châu Âu: mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ không bị phá vỡ.
Thế nhưng, điều này dường như đã làm phô bày sự chia rẽ của nước Mỹ và những gì mà Mỹ nhận được lại là sự quay lưng của các đồng minh châu Âu về một loạt chính sách của Tổng thống Trump.
Năm 2009, Phó Tổng thống Mỹ khi đó là Joshep Biden tới Munich để “nhấn nút tái khởi động” với Nga. Một thập kỷ sau ông quay lại một lần nữa cùng phái đoàn các nghị sỹ Dân chủ của Mỹ để đề xuất với thế giới những mối quan hệ tốt hơn. Lần này là với chính đất nước của ông.
Trong bài phát biểu của mình, ông hứa hẹn rằng “nước Mỹ sẽ trở lại” một khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở. Bài phát biểu của ông Biden giành được sự ủng hộ nhiệt liệt tại Hội nghị An ninh Munich, đặc biệt là từ các phái đoàn cảm thấy không hài lòng với chính sách ngoại giao “cộc cằn” của vị Tổng thống đương nhiệm xứ cờ hoa.
Trong khi đó, người kế nhiệm của ông Biden, đương kim Phó Tổng thống Mike Pence, lại gặp phải “sự im lặng” khi ông nhắc tới Tổng thống Trump trong bài phát biểu của mình: “Tôi xin gửi tới các bạn lời chào từ vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Donald Trump”.
Theo USA Today, sau khi gửi lời chào này, ông Pence đã dừng lại khoảng 5 giây, dường như chờ tiếng vỗ tay. Tuy nhiên, đáp lại sự chờ đợi của ông lại là sự im lặng. Sau đó, ông Pence lại tiếp tục bài phát biểu của mình.
Theo bản sao chép bài phát biểu được chuẩn bị từ trước mà Nhà Trắng cung cấp, có dòng ghi chú “vỗ tay” sau lời chào của Phó Tổng thống Pence. Bản sao chép còn ghi chú “vỗ tay” khi ông Pence giới thiệu đoàn đại biểu Mỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng Dân chủ). Tuy nhiên, theo USA Today, ông Pence giới thiệu Thượng nghị sỹ Graham nhưng lại bỏ qua phần giới thiệu bà Pelosi.
Những chi tiết kể trên đã phô bày sự chia rẽ đảng phái trong chính nội bộ nước Mỹ, và điều này hoàn toàn không có lợi cho Washington trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh truyền thống đang bất đồng sâu sắc về các vấn đề Iran, Venezuela, cũng như những mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân hay biến đổi khí hậu.
Đồng minh ngấm ngầm quay lưng?
Khi được hỏi về những lo ngại của châu Âu về phong cách lãnh đạo của Tổng thống Trump, một quan chức cấp cao của Mỹ trên chiếc Không Lực Hai (Air Force Two) của ông Pence nói rằng, bài phát biểu của Phó Tổng thống tại Hội nghị Munich ngày 16/2 ở Khách sạn Bayerischer Hof có thể “giúp họ có một cách nhìn khác”.
Thực tế, thông điệp của Phó Tổng thống Mỹ Pence cho thấy trụ cột trong chính sách ngoại giao của Mỹ được xây dựng lại trên một nền tảng khác: cô lập Iran, kiềm chế Trung Quốc, đưa binh sỹ Mỹ về nước và đòi hỏi các cường quốc châu Âu theo đúng lập trường mà Mỹ đã định sẵn.
Các nước châu Âu không thích thông điệp “Nước Mỹ trước tiên”, nhưng tới nay họ vẫn chưa có phản ứng mang tính phối hợp về điều này. Sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hủy dự Hội nghị an ninh Munich vào phút chót, chỉ có Thủ tướng Đức Angela Merkel là tiếng nói có trọng lượng nhất, kêu gọi các lãnh đạo toàn cầu hợp tác để cùng giải quyết những vấn đề của thế giới, đồng thời đặt nghi vấn về quyết định phá bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và rút khỏi Syria của Mỹ.
Sau khi có bài phát biểu ở Warsaw (Ba Lan) ngày 14/2, cáo buộc Anh, Pháp và Đức đang cố làm suy yếu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, thì ở Munich ngày 16/2, Phó Tổng thống Pence lại kêu gọi Liên minh châu Âu thừa nhận thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido là Tổng thống quốc gia Nam Mỹ này.
Điều này đã khiến Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell phản ứng giận dữ. Ông nói rằng, EU chỉ có thể thừa nhận Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela cho đến khi có các cuộc bầu cử mới phù hợp với hiến pháp nước này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves LeDrian nói rằng, ông cảm thấy khó hiểu về chính sách của Mỹ ở Syria khi Tổng thống Trump tuyên bố quyết định rút các binh sỹ Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông này, vì nó sẽ chỉ có lợi cho Iran – nước mà chính Mỹ đang muốn đối xử cứng rắn.
Các quan chức và nhà ngoại giao EU cũng đặt câu hỏi về việc ông Pence kêu gọi các nước EU “tránh xa” các công ty viễn thông Trung Quốc. Họ cho rằng, trước tiên phải có các cuộc thảo luận nội bộ về các rủi ro tiềm tàng cũng như những cáo buộc của Mỹ về hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
“Áp lực của Mỹ có xu hướng khiến chúng tôi hành động ngược lại. Áp lực của Mỹ không mang tính xây dựng. Tốt hơn là họ không nên thử thách và gây sức ép với chúng tôi”, một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp cho biết.
Trong khi đó, lên đường về Washington, Phó Tổng thống Mike Pence không hề lúng túng khi nói với các phóng viên rằng, chuyến đi của ông rất thành công. “Chúng tôi thúc đẩy lợi ích của thế giới tự do và chúng tôi đã tạo được bước tiến lớn”.
Những nghi ngờ về vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới dù là người bình thường hay các chuyên gia chính sách ngoại giao đều có thể cảm nhận được. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington công bố trước khi Hội nghị Munich diễn ra, có tới một nửa số dân ở Đức và Pháp coi sức mạnh của Mỹ là một mối đe dọa, và 37% người Anh cũng chia sẻ quan điểm này.
Theo VOV