Vì sao mạng di động 5G trở thành chiến trường giữa Mỹ và Trung Quốc?
Bên cạnh những lợi ích thương mại của mạng di động 5G, thế hệ mạng vô tuyến thứ 5 còn là cuộc cách mạng hóa công nghệ an ninh và quân sự. Vì thế cũng dễ hiểu tại sao mạng di động 5G trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đây được coi là một những nỗ lực ngăn cản từ phía Mỹ, cùng với đó là những cáo buộc gián điệp cho chính phủ Trung Quốc trước sự trỗi dậy của nước này vươn lên trở thành một cường quốc đi đầu trong công nghệ viễn thông.
Trong tương lai không xa, an ninh mạng và chiến tranh mạng có thể sẽ bị thay đổi về cơ bản bởi mạng di động 5G. Hiện tại, nhiều chuyên gia về viễn thông cho rằng 5G dễ bị tấn công hơn các "thế hệ mạng đi trước", Những đánh giá này được đưa ra vào lúc những căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến các vấn đề về thương mại, tầm ảnh hưởng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và nan đề thương quyền công nghệ. Những căng thẳng này xoay quanh "người khổng lồ" viễn thông Trung Quốc - Huawei.
Trước khi xảy ra vấn đề liên quan đến giám đốc tài chính - bà Mạnh Vãn Chu, công ty Huawei cũng đã đối mặt với nhiều cáo buộc từ chính phủ Mỹ bao gồm: Ăn cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng bày tỏ sự quan ngại về các phần tử mạng viễn thông sử dụng thiết bị của Huawei sẽ khiến cho việc chống lại các cuộc tấn công mạng trở nên khó khăn hơn (đặt biệt là các cuộc tấn công này đến từ Trung Quốc). Huawei đã nhiều lần tuyên bố phủ nhận các cáo buộc này nhưng những cuộc tranh cãi này cũng chỉ cho thấy sự quan trọng ngày càng lớn mạnh của thế hệ mạng vô tuyến thứ 5 và cuộc chạy đua vũ trang trên không gian mạng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Đối với hầu hết người sử dụng, mạng 5G sẽ nhanh hơn ít nhất 20 lần so với mạng 4G, điều đó cho phép người dùng có thể tải xuống phim nhanh hơn hoặc phát trực tiếp trên các phương tiện cầm tay cá nhanh được mượt hơn mà thôi. Tuy nhiên, lợi ích mà mạng 5G còn lớn hơn nhiều. Trong khi các mạng vô tuyến và hữu tuyến hiện có kết nối mọi người với nhau thì thế hệ mạng 5G sẽ kết nỗi một mạng lưới rộng lớn hơn như thế rất nhiều với các cảm biến, robot và cả phương tiện tự động thông qua trí tuệ nhân tạo.
Không gian mạng internet hiện nay sẽ cho phép không chỉ con người mà mọi phương tiện có thể kết nối, giao tiếp với nhau bằng cách trao đổi lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian thực và không có sự can thiệp của con người.
Các nhà máy sản xuất tự động hoàn toàn, các ca phẫu thuật xuyên quốc gia hay một robot phục vụ bữa sáng cho bạn, những thứ trước đây chỉ có thể nằm trong trí tưởng tượng thì giờ đây sẽ dễ dàng thực hiện được thông qua thế hệ mạng vô tuyến mới. Trong đó, nhiều chuyên gia quân sự đã đưa cho rằng 5G là nền tảng của công nghệ quốc phòng trong tương lai.
Bạn thử nghĩ xem, một toán biệt kích thâm nhập vào lãnh thổ của đối phương. Họ đang tiến về phía mục tiêu một cách nhanh chóng với đội hình bố trí cách nhau tới hàng trăm mét. Mỗi người lính mang một thiết bị cỡ bằng chiếc đồng hồ đeo tay nhưng nó có thể cung cấp cho họ đầy đủ thông tin về mục tiêu, kế hoạch tác chiến, liên lạc và tình hình thực tế vị trí tác chiến của các thành viên. Điều đáng nói, đây không phải là các vị trí được định vị thông qua hệ thống vệ tinh, bởi trong nhiều điều kiện tác chiến như trong rừng rậm nhiệt đới, các tín hiệu vệ tinh hoạt động không ổng định. Tất cả là sự kết nối và chia sẻ giữa các thiết bị này với nhau.
Bất ngờ, một thành viên bị phục kích bởi quân địch, người này trúng đạn. Thiết bị thông minh của anh ta sẽ phát đi các tín hiệu thông báo tình trạng của anh ta thông qua các cảm biến gửi thông tin tới các thành viên còn lại, đồng thời điều khiển 1 thiết bị khác được gắn trên đùi người lính sẽ tiêm một mũi adrenaline cho người bị thương và gửi cảnh báo khẩn cấp về bệnh viện dã chiến gần nhất.
Sau khi được thông báo và cập nhật tình hình người lính bị phục kích, toàn đội biệt kích chuyển qua trạng thái và đội hình tác chiến. Một máy bay trực thăng cứu thương sẽ đến sơ tán người lính bị thương trong khi các phương tiện chiến đấu bọc thép được tăng cường và cũng được chia sẻ thông tin dữ liệu bởi các thiết bị đeo tay của nhóm biệt kích.
Hay trong một cuộc giao tranh đường phố với một nhóm khủng bố. Có một sự cố mất điện và những phần tử khủng bố đang trốn trong một tòa nhà. Một kỹ thuật viên chống khủng bố sẽ thâm nhập vào hệ thống âm thanh của tòa nhà và thu thập các sóng âm có độ nhạy cao bằng cách sử dụng micro trên các camera giám sát - các hệ thống này vẫn có thể hoạt động được nhờ mức tiêu thụ điện năng thấp.
Sau khi dữ liệu âm thanh được thu thập, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phân tích và xác định vị trí của những kẻ khủng bố. Máy bay không người lái được điều động đến hiện trường và tiêu diệt quân khủng bố chỉ bằng súng ngắn.
Đây không phải là thước phim viễn tưởng mà công nghệ kỹ thuật đã và đang được phát triển, dựa trên những ưu điểm của mạng 5G và trí thông minh nhân tạo AI kết hợp với hệ thống kết nối internet. Tiến sỹ Clark Shu, chuyên gia về viễn thông và trí tuệ nhân tạo thuộc trường Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc cho biết. Mạng Internet và 5G sẽ giúp mở rộng, đánh giá và phân tích sâu hơn các tình huống trên chiến trường.
Với khả năng truyền tải được nhiều thông tin và dữ liệu hơn, độ trễ của hệ thống cũng thấp hơn và điện năng tiêu thụ cũng thấp hơn so với các thế hệ truyền dữ liệu trước đây, 5G sẽ thay đổi các giao tiếp kỹ thuật số.
Khi 5G được đưa vào vận hành, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa lên đến 10 Gb/giây, nhanh hơn nhiều so với mạng 4G và độ trễ được giảm xuống dưới một phần nghìn giây, hoặc 1% so với 4G. Với các ưu thế như vậy, 5G sẽ cho phép tăng cường các kết nối từ rất xa, kết nối các cảm biến và các thiết bị tự động. Việc này sẽ giúp cho hệ thông điều hành, nhà máy và cơ sở sản xuất đến các phần tử cấu thành hệ thống (giao thông, sản xuất, v.v...) trở nên tự chủ hơn. Đặc biệt, 5G sẽ giúp phát huy Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT - Internet of Things).
Tiến sỹ Chu Triệu (Zhou Zhao) người phát ngôn của Quân giải phóng Trung Quốc (PLA) cho biết, 5G sẽ là cách thức truyền dữ liệu nhanh nhất trong việc kết nối và trao đổi thông tin trực tiếp giữa các thiết bị với nhau. Thiết bị quân sự sẽ được tích hợp với các thiết bị truyền số liệu để có thể tạo thành mạng lưới thiết bị kết nối được mã hóa trên nền tảng IoT. Thông tin này được đăng tải trên China Defense News năm 2017 dẫn nguồn từ PLA.
Trung Quốc là một cường quốc trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G. Các công ty viễn thông của nước này sẽ giới thiệu các công nghệ và giải pháp mạng 5G thương mại hóa từ năm 2020. Mặc dù, công nghệ 5G mới chỉ được áp dụng thí điểm tại một số khu vực nhất định bởi giá thành các phần tử thiết lập mạng 5G hiện đang rất đắt cho việc thương mại hóa đại chúng, tiến sỹ Chu cho biết.
Cuối tháng 1, Huawei đã cho ra mắt một bộ vi xử lý mà họ tuyên bố là modem 5G mạng nhất thế giới. Ngay sau đó, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ trình bản cáo trạng 13 trang cáo buộc công ty này và các chi nhanh của nó cùng với giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu, sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh theo yêu cầu từ phía Mỹ hồi đầu tháng 12/2018.
Những nghi vấn về công nghệ 5G do Huawei phát triển nói riêng và của các công ty Trung Quốc ngày càng mở rộng hơn. Năm 2012, Ủy ban Tình báo thuộc Hạ Viện Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo cáo buộc các nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh cho Hoa Kỳ; Bởi mối quan hệ mờ ám giữa các công ty này với chính phủ Trung Quốc. Theo Luật Tình báo quốc gia được thông qua năm 2017 của Trung Quốc, các công ty Trung Quốc phải có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan tình báo của nước này khi có yêu cầu.
Mỹ đã vận động và tác động các đồng minh của mình cấm Huawei tham gia xây dựng thế hệ mạng di động tiếp theo (4G và 5G) của họ. Và các quốc gia như Anh, Australia, New Zealand và Canada đã cấm Huawei. Riêng chính phủ Đức đang xem xét việc cấm Huawei trong kế hoạch phát triển mạng 5G của mình.
Người sáng lập nên Huawei, Nhậm Chính Phi từng là một kỹ sư phục vụ cho Quân giải phóng Trung Quốc, vì thế ông là tâm điểm của những nghi ngờ của các nước phương Tây về mối quan hệ của Huawei và chính phủ Trung Quốc. Ban lãnh đạo điều hành của Huawei nói riêng và các công ty Trung Quốc nói chung đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc từ phương Tây, cũng như các cơ quan chức năng của những nước này chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng nào liên quan tới các chương trình gián điệp, nhưng sự thống trị của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông luôn làm gia tăng các mối lo ngại về an ninh mạng.
Ông Tống Trung Bình (Song Zhongping), một nhà bình luận quân sự tại Hongkong cho biết, chính phủ Trung Quốc đã giao cho các tổ chức nghiên cứu và các công ty Quốc doanh thực hiện phát triển mạng 5G ứng dụng trong quân sự chứ không phải Tập đoàn Huawei. Các cơ sở của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, nơi vốn sản xuất radar và các hệ thống điện tử phục vụ quốc phòng, được tập trung giao công việc này.
Hoa Kỳ cũng đang tập trung vào nghiên cứu và phát triển ứng dụng 5G cho quân sự, trong khi hệ thống mạng 5G được thương mại hóa dân sự đã được thí điểm tại một số thành phố. Trong một cuộc phỏng vấn của C4ISRNET, ông Brent Upson, giám đốc công ty bảo mật và hàng không vũ trụ Mỹ thuộc tập đoàn Lockheed Martin cho biết, giao tiếp giữa các thiết bị khai thác tài nguyên từ internet dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng mới phát triển của quân sự trong năm 2019.
Tood Wieser, Giám đốc công nghệ của Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt thuộc Không quân Hoa Kỳ cho biết công nghệ 5G sẽ tăng cường khả năng liên lạc vô tuyến và mở rộng khả năng tác chiến của lực lượng đặc biệt không quân Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, mạng 5G thương mại dân sự bị chính phủ Mỹ coi là con mồi béo bở cho các tin tặc và gián điệp của nước ngoài tấn công. Tiến sỹ Clark Shu cho biết thêm, nhược điểm của mạng 5G trên chiến trường là dễ bị tổn hại bởi nhiễu điện từ và bị tấn công, xâm nhập. Sự tăng cường số lượng các cảm biến và các điểm truyền dẫn là sự gia tăng khả năng làm lộ hệ thống và dễ dàng bị tấn công./.
Theo VOV