Thế giới

Nhà khoa học hạt nhân Iran vừa bị ám sát là ai?

08:51, 29/11/2020
Các quan chức và giới chuyên gia phương Tây tin rằng, nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh vừa bị sát hại là "vị kiến trúc sư" đứng sau các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.

Theo tờ Al Jazeera, Iran luôn phủ nhận thông tin ông Fakhrizadeh liên quan đến các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như nước này chưa bao giờ tìm cách biến năng lượng hạt nhân thành một thứ vũ khí hủy diệt.

Tuy nhiên, tổ chức giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc (LHQ) và tình báo Mỹ tin rằng, nhà khoa học Fakhrizadeh là người dẫn đầu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân Iran đã buộc phải dừng lại vào năm 2003.

Ông Fakhrizadeh luôn được bảo vệ một cách nghiêm ngặt và chưa bao giờ xuất hiện trước các nhà điều tra hạt nhân của LHQ. Nhà khoa học này cũng hiếm khi xuất hiện trước công chúng. 

Mohsen Fakhrizadeh (phải) ngồi cùng hai người đàn ông chưa xác định danh tính trong cuộc họp với Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei ở Tehran, Iran ngày 23/1/2019. Ảnh: AP
Mohsen Fakhrizadeh (phải) ngồi cùng hai người đàn ông chưa xác định danh tính trong cuộc họp với Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei ở Tehran, Iran ngày 23/1/2019. Ảnh: AP

Trong một bản báo cáo tháng 5/2011, tổ chức đối lập Hội đồng kháng chiến quốc gia Iran (NCRI) cung cấp một bức ảnh được cho là ông Fakhrizadeh, với mái tóc đen và để râu. NCRI viết ông Fakhrizadeh sinh năm 1958 tại thị trấn Qom.

Fakhrizadeh là nhà khoa học Iran duy nhất có tên trong “bản đánh giá cuối cùng” năm 2015 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Theo IAEA, Fakhrizadeh chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động “hỗ trợ phương diện quân sự cho chương trình hạt nhân”, có tên gọi là “kế hoạch AMAD”.

Trong bản báo cáo năm 2011, IAEA miêu tả Fakhrizadeh là “Giám đốc điều hành” của kế hoạch AMAD, một nhân vật chủ chốt trong chương trình phát triển công nghệ cần thiết cho bom nguyên tử.

Trong một bài phát biểu vào tháng 4/2018 trên sóng truyền hình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu tên Fakhrizadeh là nhân vật hàng đầu đứng sau chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran.

Thủ tướng Netanyahu cho biết, sau khi kế hoạch AMAD bị ngăn chặn, Fakhrizadeh tiếp tục làm việc trong một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Iran, phụ trách các “dự án đặc biệt”.

Năm 2018, đài truyền hình Kan của Israel đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert. Tại buổi phỏng vấn đó, ông Ehud ám chỉ nhà khoa học Fakhrizadeh có thể trở thành mục tiêu. 

Hiện trường vụ sát hại nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: FARS
Hiện trường vụ sát hại nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: FARS

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Iran ngày 27/11 xác nhận ông Fakhrizadeh là người đứng đầu Tổ chức Cải cách và Nghiên cứu thuộc bộ này. Ông cũng được cho là một tướng lĩnh cấp cao trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Tuy nhiên, phía Iran bác bỏ thông tin cho rằng ông Fakhrizadeh là một tướng lĩnh có liên quan đến chương trình hạt nhân.

Một nguồn tin cấp cao Iran từng tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, nhà khoa học Fakhrizadeh là một “chuyên gia” cống hiến cho sự phát triển kỹ thuật công nghệ của Iran, cũng như nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Trong một tuyên bố ra ngày 28/11, Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei cho biết nước này sẽ đáp trả việc nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện. Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei kêu gọi "trừng phạt" những kẻ đứng sau vụ sát hại này.

Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cáo buộc Israel tìm cách gây "hỗn loạn" bằng cách thực hiện vụ sát hại ông Fakhrizadeh. Nhà lãnh đạo Iran đồng thời cam kết sẽ đáp trả vụ việc "vào thời điểm thích hợp". 

Theo các hãng tin Tasnim và Fars, vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh xảy ra ở thành phố Absard thuộc khu vực Damavand ở miền Đông Iran, khi một nhóm tay súng đánh bom một ô tô, trước khi nổ súng vào xe chở ông. Hiện chưa rõ danh tính của các tay súng.  

Iran đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và Israel, mà cụ thể là Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan tình báo Israel (MOSSAD), đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này.

Vụ ám sát Fakhrizadeh xảy ra vào thời điểm khá đặc biệt, khi quá trình chuyển giao quyền lực đang được tiến hành tại Mỹ và chính quyền Trump được cho là sẽ kết thúc trong vài tuần tới. Theo bình luận viên Cahal Milmo của Inews, nếu trách nhiệm trong vụ tấn công thuộc về Israel như cáo buộc của Iran, họ khó có thể hành động mà không có sự chấp thuận ngầm của Mỹ.

Một quan chức Mỹ giấu tên hôm 16/11 tiết lộ Trump đã yêu cầu cấp dưới trình bày những phương án tấn công cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng kế hoạch này bị đội ngũ cố vấn bác bỏ. Do đó, giới quan sát tin rằng Washington thực sự đang theo đuổi chiến lược gây thiệt hại tối đa trong quan hệ với Iran, nhằm ngăn chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Joe Biden đảo ngược tình thế.

Trump đã tăng cường trừng phạt và đối đầu với Tehran trong chiến dịch "gây áp lực tối đa" kể từ khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) hồi tháng 5/2018, với mục tiêu buộc Iran ký một thỏa thuận chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, động thái của Trump khiến Iran không còn chấp nhận tuân thủ JCPOA, thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này, và tăng cường tích trữ uranium được làm giàu.

Biden từng cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh về vấn đề Iran và nỗ lực tái gia nhập thỏa thuận, miễn là Tehran tuân thủ đầy đủ. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc giúp Iran thoát khỏi một số lệnh trừng phạt kinh tế mà họ hằng mong muốn xóa bỏ. Tuy nhiên, vụ ám sát Fakhrizadeh được cho là đã khiến mục tiêu hàn gắn vốn tiềm ẩn đầy thách thức càng trở nên xa vời.

Tương tự nhiều chuyên gia khác, Robert Malley, cố vấn của cựu tổng thống Barack Obama về vấn đề Iran, cũng đánh giá đây là một trong hàng loạt động thái của chính quyền Trump vào "buổi hoàng hôn nhiệm kỳ" dường như nhằm khiến Biden khó tương tác với Iran hơn.

"Xem xét một cách đơn giản, mục tiêu của cuộc tấn công là gây thiệt hại tối đa cho Iran về kinh tế và chương trình hạt nhân của họ tới chừng nào còn có thể. Mặt khác, nó có nguy cơ làm phức tạp khả năng nối lại hoạt động ngoại giao và tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân của Biden", Malley nhận định, nhưng từ chối suy đoán ai đứng sau cuộc tấn công.

(Tổng hợp theo VNE)

 

 

Theo Báo Tin tức

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện