Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (5/3) đã họp kín về tình hình Myanmar, trong bối cảnh căng thẳng ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu sau hơn 1 tháng bùng phát. Đây là cuộc họp thứ 2 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Myanmar chỉ trong hơn 1 tháng qua.
Biểu tình ở Myanmar. Ảnh: AFP |
Tại cuộc họp, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động khẩn cấp nhằm khôi phục ổn định và trật tự tại Myanmar. Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh, các cuộc biểu tình kéo dài suốt hơn 1 tháng qua tại Myanmar đã biến thành bạo lực. Đụng độ giữa người biểu tình với quân đội và cảnh sát đã làm hơn 50 người thiệt mạng và trong số này có cả trẻ em. Theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Burgener, tình hình hiện tại “đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”, với những ảnh hưởng ngày một lớn đến lực lượng lao động, đầu tư, sự ổn định, kết nối và an ninh của Myanmar.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thông qua hành động nào ngay lập tức. Tuy nhiên, Anh đã gửi tới các nước thành viên một dự thảo tuyên bố chủ tịch. Theo Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward, tình hình đã trở nên xấu hơn so với thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 4/2 ra tuyên bố kêu gọi trở lại nền dân chủ và trả tự do cho các quan chức cấp cao Myanmar đang bị bắt giữ. Vì thế, các nước thành viên đang xem xét những bước đi tiếp theo.
Đại sứ Woodward đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể đạt được tiếng nói chung trong phản ứng với tình hình Myanmar.
“Tôi xin nhắc lại lời kêu gọi tôn trọng pháp quyền, phóng thích ngay lập tức tất cả những người bị bắt giữ, dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và tất cả các hạn chế về quyền và tự do. Anh ủng hộ vai trò của các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN, trong việc giải quyết khủng hoảng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình ở Myanmar và xem xét hành động tiếp theo thông qua Hội đồng Bảo an trong những ngày tới”.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Burgener dự kiến sẽ thăm các quốc gia khu vực ngay khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được cải thiện để giúp thúc đẩy sự gắn kết quốc tế lớn hơn trong phản ứng với cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Trong một động thái nhằm gia tăng sức ép với Myanmar, chính phủ Mỹ hôm qua thông báo đã cấm chính quyền quân sự của Myanmar tiếp cận với số tiền 1 tỷ USD gửi tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York vào đầu tháng 2, tức là ngay sau khi lực lượng này lên nắm quyền điều hành. Thông tin đưa ra cùng ngày với quyết định của Bộ Tài chính Mỹ bổ sung Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và hai tập đoàn kinh tế của Myanmar vào danh sách cấm.
Bên cạnh Mỹ, nhiều quốc gia trong đó có Canada, Anh và Liên minh châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Myanmar. Cũng trong ngày hôm qua, Youtube đã xóa 5 kênh do quân đội Myanmar điều hành vì vi phạm nguyên tắc, chỉ một ngày sau khi một ông lớn truyền thông khác là Facebook thông báo xóa tất cả những trang liên quan đến quân đội Myanmar khỏi các nền tảng của mình./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin