Chưa có một nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vài cuộc tấn công gần như đồng thời nhằm vào các mục tiêu quân sự ở miền Trung Myanmar thời gian qua, bao gồm các căn cứ không quân được quân đội nước này sử dụng gần đây để tấn công các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Myanmar. Tuy nhiên giới phân tích an ninh cho rằng các cuộc tấn công ngầm này là tác phẩm của một liên minh giữa các nhóm phiến quân dân tộc thiểu số và các phần tử bất đồng chính kiến “thân dân chủ” ở vùng độ thị của Myanmar.
Theo các nhà phân tích này, phiến quân dân tộc thiểu số cung cấp thuốc nổ, còn những người bất đồng chính kiến ở đô thị Myanmar cung cấp thông tin về tình hình vùng lõi của Myanmar.
Lực lượng phiến quân KNU (Quân đội Dân tộc Karen) tại căn cứ của họ ở vùng biên giới Myanmar-Thái Lan. Ảnh: KNU. |
Chiến sự lan từ biên giới về các trung tâm đô thị
Nếu nhận định trên là chính xác và các vụ tấn công không phải là các vụ việc riêng biệt thì điều đó có nghĩa rằng các cuộc nội chiến nhỏ nhưng kéo dài ở Myanmar đang lan từ khu vực dân tộc thiểu số tới các thành phố lớn của Myanmar.
Người dân Myanmar vẫn xuống phố để bày tỏ sự phẫn nộ với cuộc đảo chính quân sự vào thời điểm 3 tháng sau khi giới tướng lĩnh quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân bầu, bất chấp việc quân đội và cảnh sát từ đó đến nay đã làm chết hơn 750 người biểu tình, đồng thời tống giam hơn 4.000 người biểu tình khác.
Cuộc phản kháng dân sự hiện nay ở Myanmar cho thấy cuộc đảo chính quân sự mới nhất ở quốc gia Đông Nam Á này là cuộc đảo chính kém thành công nhất trong lịch sử châu Á hiện đại. Tình huống hiện nay bất lợi cho tướng Min Aung Hlaing, người vẫn đang nắm toàn quyền tại Myanmar dựa vào sức mạnh của quân đội. Hiện ông đang vấp phải làn sóng gia tăng chỉ trích từ nước ngoài, khiến Myanmar càng thêm phân cực.
Xung đột quy mô lớn hơn đã xảy ra ở vùng lõi miền Trung Myanmar, bao gồm cả thủ đô Naypyidaw được bảo vệ nghiêm ngặt như boong-ke.
Vào ngày 29/4, các chiến binh chưa rõ danh tính đã phóng rocket vào các căn cứ không quân ở Magwe và Meiktila, miền Trung Myanmar. Một vụ nổ khác vang lên ở cơ sở lưu trữ các vũ khí của quân đội Myanmar gần thành phố Bago, chỉ nằm cách Yangon 70km về phía Bắc.
Các cuộc tấn công trên xảy ra sau khi có chiến sự dữ dội giữa quân đội Myanmar (còn được người địa phương gọi là Tatmadaw) và các phiến quân thuộc Quân giải phóng dân tộc Karen (KLNA) trên biên giới bộ với Thái Lan.
Những cuộc tấn công ngầm (không có người nhận trách nhiệm) nhằm vào các căn cứ không quân cũng trùng hợp với các trận chiến dữ dội giữa quân đội chính quy Myanmar với Quân đội Độc lập Kachin (KIA) ở khu vực cực Bắc của Myanmar, nơi nhiều nhà hoạt động thân dân chủ xin tị nạn sau khi xảy ra các vụ trấn áp có đổ máu ở khu vực đô thị.
Các cuộc tấn công do Tatmadaw tiến hành bao gồm các cuộc không kích vào các mục tiêu phiến quân, trong đó có cả các làng dân, khiến hơn 25.000 dân làng ở bang Kayin và ít nhất 5.000 người ở bang Kachin phải thay đổi chỗ ở. Trước đó đã có hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự ở khu vực này.
Điểm giống và khác giữa xung đột vũ trang hiện nay với biến cố năm 1988
Các nhà quan sát lâu dài nền chính trị Myanmar nhận thấy mối tương đồng giữa các sự kiện hiện nay với những gì đã xảy ra sau một cuộc đảo chính có nhiều đổ máu hơn vào năm 1988. Thời điểm đó hàng ngàn người bất đồng chính kiến đã phải chạy vào rừng núi ẩn náu sau khi quân đội trấn áp một cuộc nổi dậy toàn quốc khác.
Nhưng giới quan sát cũng nhận thấy những khác biệt căn bản giữa sự kiện 1988 và những diễn biến hiện nay.
Năm 1988, các phần tử bất đồng chính kiến trẻ tuổi ở đô thị đã hình thành Mặt trận Dân chủ Sinh viên Toàn Miến Điện (ABSDF), mặc đồng phục và chiến đấu cùng với các phiến quân dân tộc thiểu số ở vùng biên giới. Lúc đó người ta dễ kiếm vũ khí từ các thị trường vũ khí Thái Lan. Các nhóm bất đồng chính kiến còn có vùng “đất thánh”, thậm chí cả văn phòng đại diện trên lãnh thổ nước Thái Lan láng giềng.
Tuy nhiên hiện nay quan hệ giữa quân đội Thái Lan và Myanmar đã nồng ấm nhiều, đã vậy lại có lệnh hạn chế nhập cảnh vào Thái Lan do đại dịch Covid-19 khiến nhiều người bất đồng chính kiến Myanmar vẫn bị kẹt lại bên trong phần lãnh thổ Myanmar.
Tổ chức ABSDF từ thuở nào giờ vẫn tồn tại, nhưng chỉ là trên danh nghĩa, bởi lẽ phần lớn thành viên cốt cán của nó đã đầu hàng hoặc tái định cư ở những nước thứ 3. Thực tế thất bại của ABSDF khiến liên minh hiện nay giữa người dân tộc thiểu số và cư dân đô thị lựa chọn cách tiếp cận khác, có tiềm năng bùng nổ hơn.
Thực sự thì các diễn biến mới đây có thể là dấu hiệu về chiến tranh đô thị chưa từng thấy mà Tatmadaw không được trang bị tốt để đương đầu lại. Ngoài các liên minh trước đây giữa các nhóm hoạt động phi chính thức và các nhóm phiến quân, các lực lượng kháng chiến tại chỗ đã xuất hiện ở khu Sagaing và bang Chin. Các báo cáo cho thấy các lực lượng tương tự đang liên kết với nhau ở bang Mon và khu vực Mandalay.
Các đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các lực lượng dân quân địa phương tuy chỉ được trang bị súng săn và thuốc nổ tự chế nhưng vẫn có thể gây thương vong đáng kể cho cảnh sát và quân đội Myanmar, bao gồm ở Kalay, vùng Sagaing. Ở bang Chin gần đó, một lực lượng mới mang tên Lực lượng Phòng vệ Chinland được cho là đã giết chết 15 lính của chính quyền quân sự trong vùng của họ.
Người ta cũng đã thông tin về các vụ tấn công bằng bom và chai cháy nhằm vào các đồn cảnh sát ở Yangon, Mandalay, và Monywa.
Cùng lúc đó, Tatmadaw (quân đội chính quy Myanmar) phải đương đầu với các đội quân dân tộc thiểu số đã trưởng thành trong trận mạc. Ở cực Bắc Myanmar, có trên 50 cuộc đụng độ kể từ khi phiến quân Kachin tấn công và chiếm được một chốt tiền tiêu của Tatmadaw ở khu vực núi chiến lược Alawbum gần biên giới với Trung Quốc vào ngày 25/3.
Các cuộc không kích do Tatmadaw tiến hành đã không thể đánh bật KIA – lực lượng tiến hành các vụ tấn công sau đó gần các mỏ ngọc bích Hpakant ở khu vực phía Tây của bang Kachin và phía bắc khu Sumprabum.
Ở bang Kayin, tổ chức phi chính phủ Kiểm lâm Miến Điện Tự do báo cáo hàng ngày về chiến sự giữa Tatmadaw và KNLA bất chấp việc hai bên đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 10/2015. Thỏa thuận này bao gồm cả Hội đồng Khôi phục Bang Shan (RCSS) và 8 nhóm nhỏ hơn, và được đặt tên là “Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc”.
Bí ẩn đội quân dân tộc Arakan đối đầu quyết liệt với quân đội Myanmar
Bất đồng giữa nội bộ các nhóm phiến quân
Mặc dù KNLA và KIA đứng công khai về phía Phong trào Bất tuân Dân sự (cho đến nay vẫn theo đuổi phương pháp hòa bình), một số nhóm dân tộc thiểu số khác thì lại có mức độ ủng hộ ít hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 27/3 với Reuters, Chủ tịch RCSS Yawd Serk cho biết nhóm của ông ta sẽ không thụ động đứng yên nếu các lực lượng của chính quyền quân sự tiếp tục giết hại người biểu tình. Tuy nhiên cam kết của ông này vẫn chưa kéo theo hành động cụ thể rõ ràng nào.
Trái lại, RCSS đã chiến đấu chống lại nhóm Shan đối thủ - Quân đội bang Shan của Đảng Tiến bộ bang Shan và các đồng minh của tộc người Palaung trong Quân giải phóng Ta’ang (TNLA) để giành quyền kiểm soát đối với các khu vực ở phía Bắc bang Shan.
Đội quân dân tộc thiểu số mạnh nhất Myanmar – Quân đội Bang Wa Thống nhất (UWSA) đông từ 20.000-30.000 người, vẫn im lặng thấy rõ kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính. Không phải tất cả người Wa đồng ý với quan điểm lặng yên đó: “10 tổ chức dân sự xã hội ở bang Wa vào ngày 25/3/2021 đã ký một lời kêu gọi thống thiết gửi tới UWSA và nhánh chính trị - Đảng Bang Wa Thống nhất, kêu gọi họ hãy nói điều gì đó.
Nhưng lời kêu gọi đó không có tác dụng, bởi lẽ UWSA là đồng minh gần gũi của các cơ quan an ninh Trung Quốc và không muốn dính vào phong trào phản đối biểu tình ở Myanmar. Người biểu tình đã phản đối điều được cho là sự ủng hộ của Trung Quốc cho chế độ quân sự Myanmar tại Liên Hợp Quốc. Một số nhà máy của Trung Quốc đã bị đốt cháy ở Yangon trong một chuỗi các vụ bạo lực bùng phát.
Đội quân Arakan (AA) đông tới 7.000 người ở bang Rakhine (một trong các nhóm phiến quân hùng mạnh nhất ở Myanmar), đã tiêu diệt hàng trăm binh sĩ Tatmadaw trong các cuộc giao tranh gần đây, giờ đã lựa chọn một cách tiếp cận khác gây bất ngờ. Họ đàm phán ngưng chiến với Tatmadaw hồi tháng 11/2020 và được chính phủ Myanmar đưa ra khỏi danh sách các tổ chức “khủng bố” ngay sau cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 1/2/2021.
Thủ lĩnh của nhóm này, Twan Mrat Naing, phát biểu vào ngày 16/4 tại tổng hành dinh Panghsang của UWSA rằng chính phủ Liên minh Quốc gia vì Dân chủ tuyên bố sẽ tạo ra một liên bang với quyền bình đẳng cho tất cả các dân tộc nhưng cuối cùng không thực hiện được lời hứa. Với quan điểm đó thì người ta nghi ngờ AA sẽ tham gia bất cứ liên minh rộng lớn nào giữa những người bất đồng chính kiến ở đô thị và các đội quân dân tộc thiểu số./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin