Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 16/6 cảnh báo biến chủng Delta từ Ấn Độ ngày càng lan rộng và hiện chiếm tới 10% tổng ca nhiễm mới ở Mỹ, tăng thêm 4% so với tuần trước.
Các quan chức WHO cho biết thêm một số báo cáo đã chỉ ra biến chủng Ấn Độ có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, song vẫn cần nghiêm cứu thêm để xác nhận thông tin này.
Các bác sĩ tại khu chăm sóc tích cực dành cho bệnh nhân Covid-19 ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 24/5. Ảnh: WSJ. |
WHO cũng đang theo dõi những thông tin gần đây về một biến chủng mới được gọi là "Delta cộng". "Tôi cho rằng điều này có nghĩa là thêm một đột biến nữa của biến chủng đã được xác định", Maria Van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật Covid-19 của WHO, nói. "Ở một số biến chủng Delta, chúng tôi phát hiện thiếu một đột biến thay vì thêm, nên chúng tôi đang xem xét toàn diện".
Anh gần đây chứng kiến Delta trở thành biến chủng chủ đạo ở nước này, vượt qua cả biến chủng Alpha vốn được phát hiện lần đầu tiên tại Anh vào mùa thu năm ngoái. Biến chủng Delta giờ đây chiếm hơn 60% ca nhiễm mới ở Anh.
Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ kiêm cố vấn y tế của Tổng thống Joe Biden, tuần trước khẳng định không thể để tình trạng như trên xảy ra ở nước này khi ông thúc giục mọi người tiêm chủng vaccine Covid-19, đặc biệt là thanh niên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ hôm 15/6 coi biến chủng Delta là biến chủng đáng lo ngại, tương tự động thái của WHO hồi tháng 5.
WHO hiện theo dõi khoảng 50 biến chủng nCoV, bao gồm biến chủng Lambda được các nhà khoa học ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador và Argentina phát hiện.
Ấn Độ đang chật vật ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ hai bắt đầu từ tháng 4, với tổng ca nhiễm vượt 29,6 triệu người và hơn 380.000 người chết. Tuy nhiên, chuyên gia tin rằng số ca nhiễm và tử vong ở nước này thực tế còn cao hơn nhiều, khi nhiều người chưa được xét nghiệm, đặc biệt ở vùng nông thôn, nơi sinh sống của khoảng 2/3 dân số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin