Thế giới

WTO, WB, IMF, WHO kêu gọi 50 tỷ USD chấm dứt đại dịch

19:36, 02/06/2021

Bốn tổ chức kinh tế và y tế quốc tế hàng đầu này cùng khẳng định, chính sách vaccine chính là chính sách kinh tế, thương mại trong bối cảnh hiện nay.

Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua lên tiếng kêu gọi các nước “giàu có” tài trợ khẩn cấp số tiền 50 tỷ USD để giúp chấm dứt đại dịch Covid-19, đạt nền móng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu thực sự.

Bốn tổ chức kinh tế và y tế quốc tế hàng đầu này cùng khẳng định, chính sách vaccine chính là chính sách kinh tế, thương mại trong bối cảnh hiện nay.

Theo Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, thế giới đang chia rẽ theo hai hướng. Thứ nhất là các nước giàu đang tiến tới tiêm vaccine Covid-19 cho hầu hết dân số. Thứ hai là các nước nghèo hơn với chưa tới 1% dân số được tiêm vaccine và đang bị “bỏ lại phía sau”. 

WTO, WB, IMF, WHO khẳng định chính sách vaccine chính là kinh tế, thương mại. (Ảnh minh họa)
WTO, WB, IMF, WHO khẳng định chính sách vaccine chính là kinh tế, thương mại. (Ảnh minh họa)

Sự bất công sẽ không giúp đại dịch chấm dứt và thế giới cũng không thể phục hồi trên diện rộng nếu cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng chưa kết thúc. Tiếp cận vaccine chính là chìa khóa cho cả hai vấn đề này.

Với 50 tỷ USD kêu gọi, 4 tổ chức y tế và kinh tế hàng đầu muốn thúc đẩy việc tiếp cận vaccine công bằng giữa các quốc gia và nâng cấp hệ thống vật tư y tế. Cụ thể, số tiền này có thể hỗ trợ tiêm vaccine cho 30% dân số tại tất cả các quốc gia trên thế giới vào cuối năm 2021. Tỷ lệ này có thể đạt 40% nếu có thêm các thỏa thuận và đầu tư, và đạt ít nhất 60% vào giữa năm 2022.

Một khi đại dịch chấm dứt, 4 cơ quan này ước tính sẽ có thêm 9.000 tỷ USD giá trị kinh tế trên toàn cầu được tạo ra cho đến năm 2025.

Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Bạn có thể hỏi, tại sao IMF lại quan tâm đến việc tiêm chủng? Chúng tôi thấy rằng trong thời gian tới, tiêm chủng cho thế giới là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Nói cách khác, chính sách vaccine là chính sách kinh tế".

Còn Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng: “Chính sách vaccine là chính sách thương mại và ngược lại. Chúng ta sẽ không đạt được mức tăng sản lượng vaccine khi chúng ta không có hành động thương mại, tài chính. Và nếu không chấm dứt tình trạng khan hiếm vaccine, chúng ta cũng không thể có được sự phục hồi kinh tế và thương mại về lâu dài. Chúng tôi muốn hợp tác toàn cầu để cứu sống và nhặt được những tờ tiền nghìn tỷ đô la đó".

Thực tế, một số quốc gia giàu có đã tiêm cho một lượng lớn dân số của mình và bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Hôm qua, Bộ Tài chính Israel cho biết, sẽ dần chấm dứt chương trình hỗ trợ thất nghiệp, bắt đầu từ đối tượng thành niên dưới 28 tuổi chưa có con, trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Cùng ngày, chính phủ Mỹ cũng đã ngừng Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) hỗ trợ gần 800 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện