Thế giới

Taliban có thể cai trị Afghanistan trong bao lâu?

10:08, 13/10/2021
Viễn cảnh ảm đạm mà nhiều người dân Afghanistan không muốn thấy là các nhóm thậm chí còn cực đoan hơn cả Taliban sẽ nổi lên tranh giành quyền lực.

Sau khi tiếp quản thủ đô Kabul ngày 15/8, Taliban đã mất 3 tuần mới công bố chính phủ lâm thời. Các nhân vật cứng rắn đều có chỗ đứng riêng sau cuộc “đấu đá nội bộ” với các lãnh đạo khác của Taliban. Đây cũng không phải là chính phủ bao trùm với các đại diện về giới tính, tôn giáo, sắc tộc và quan đểm chính trị.

Các thành viên Taliban trong dinh tổng thống sau khi tiếp quản thủ đô Kabul ngày 15/8/2021. Ảnh: AP
Các thành viên Taliban trong dinh tổng thống sau khi tiếp quản thủ đô Kabul ngày 15/8/2021. Ảnh: AP

 
Khi Taliban lần đầu cai trị Afghanistan năm 1996, lực lượng này có được sự ủng hộ nhất định do sự đối địch với các nhóm mujahideen (những người tham gia thánh chiến) tàn phá quốc gia Nam Á này thời điểm đó. Tuy nhiên, Taliban cũng không duy trì được quyền lực lâu dài và bị lật đổ bởi chiến dịch do Mỹ dẫn đầu sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001.

So với lần cai trị đầu tiên và bất chấp tình trạng tham nhũng trong chính phủ Ashraf Ghani, người dân Afghanistan nói chung không mong muốn Taliban trở lại nắm quyền.

Lần này, Taliban tiếp quản Kabul với sự ủng hộ trong nước ít hơn và phải đối mặt với các điều kiện khó khăn về quốc tế. Trong quá trình Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, việc Taliban nhanh chóng chiếm được Kabul đã gây bất ngờ cho rất nhiều người.

Bối cảnh thay đổi rất nhanh chóng cũng khiến Taliban phải đối mặt với thực tế khó khăn khi điều hành một đất nước trong những hoàn cảnh không thuận lợi. Liệu lực lượng này có thể kiểm soát quyền lực trong tương lai nếu chỉ đơn thuần dựa vào lực lượng quân sự?

Kinh tế là yếu tố quyết định

Thách thức lớn nhất mà Taliban phải đối mặt là kinh tế. Sau khi tiếp quản quyền lực, các đối tác phát triển cắt đứt quan hệ, các thể chế kinh tế quốc tế, các cơ quan tài trợ áp hạn chế với Afghanistan.

Mặc dù từng hưởng sự phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua, Afghanistan đã không xây dựng được nền kinh tế tự chủ bền vững. Quốc gia nghèo ở Nam Á có GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 500 USD. Khoảng 80% ngân sách hàng năm phụ thuộc vào Mỹ và các nhà tài trợ nước ngoài khác.

Phần lớn tài sản dự trữ 10 tỷ USD của Ngân hàng trung ương Afghanistan (DAB) nằm trong tay Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác. Bộ tài chính Mỹ tuyên bố không có kế hoạch “rã băng” tài sản của Afghanistan. Các nước phương Tây khác cũng đóng băng tài sản Afghanistan và rút khỏi các thỏa thuận tài chính. Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan khác cũng đình chỉ viện trợ cho Afghanistan.

DAB không có khả năng in tiền. Trước khi Taliban nắm quyền, DAB đang chờ bàn giao 2 tỷ Afghani các đồng tiền mệnh giá nhỏ từ một công ty in tiền của Ba Lan vào tháng 8/2021 và 100 tỷ Afghani từ một công ty của Pháp trong năm 2022. Việc Taliban tiếp quản quyền lực đã khiến các đợt bàn giao này gặp nhiều khó khăn.

Những yếu tố này đã tạo nên cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng. Taliban không thể trả lương cho các quan chức chính phủ, công chức nhà nước. Người dân không có tiền mặt, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh. Tình trạng thiếu nhiên liệu và mất định diễn ra nghiêm trọng. Ngay cả các loại thuốc men cơ bản cũng không còn trong kho dự trữ ở các bệnh viện công.

Viễn cảnh kinh tế ảm đạm, cùng với lo ngại Taliban có thể áp dụng luật Sharia hà khắc hơn trong những tháng tới, đã khiến hàng nghìn người Afghanistan tìm mọi cách rời khỏi đất nước.

Các đại sứ quán của Afghanistan ở nước ngoài cũng không ủng hộ chính quyền mới, khiến Taliban càng gặp nhiều khó khăn.

Cả thế giới quay lưng, Trung Quốc và Pakistan có thể cứu Taliban?

Taliban là lực lượng được Pakistan “bảo trợ” và là công cụ để Islamabad duy trì lợi ích địa chính trị trong khu vực. Do đó, Pakistan có lợi ích sau cùng khi đảm bảo Taliban nắm quyền ở Afghanistan bằng bất cứ giá nào.

Dù vậy, Pakistan cũng không “liều lĩnh” công khai thừa nhận Taliban vì lo ngại bị cô lập với cả thế giới. Chính quyền Pakistan cũng lo ngại về lực lượng Tehrik-i-Taliban - lực lượng từng tiến hành nhiều cuộc tấn công ở Pakistan và có mối quan hệ gần gũi với Taliban ở Afghanistan.

Pakistan đối mặt với tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, Pakistan không muốn đánh mất Taliban như một “công cụ hiệu quả”, một mặt, nước này cũng lo ngại Pakistan bị “Taliban hóa”.

Bên cạnh đó, nền kinh tế bị tác động bởi nhiều yếu tố cũng khiến Pakistan không thể hỗ trợ tài chính và chính trị cho Taliban.

Trung Quốc cũng ở trong tình huống khó xử tương tự Pakistan. Trung Quốc muốn đảm bảo các lợi ích kinh doanh và đầu tư trong khu vực nhưng cũng lo ngại việc Taliban nắm quyền ở Afghanistan sẽ việc thúc đẩy Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - mà Bắc Kinh cho là một nhóm cực đoan Duy Ngô Nhĩ.

Nga cũng rất thận trọng tính toán liệu Taliban cai trị lâu dài có thúc đẩy các thành phần chính trị chủ nghĩa hồi giáo ở Trung Á và các khu vực khác của Nga hay không.

Còn với Taliban, thách thức lớn nhất là đảm bảo cuộc sống của 38 triệu dân Afghanistan. Không có sự hỗ trợ lớn từ quốc tế và chỉ đơn thuần dựa vào viện trợ của Trung Quốc và Pakistan, đây sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.

Tiếp tục đi theo đường lối cực đoan cũng sẽ khiến Taliban bị thế giới, thậm chí cả Trung Quốc và Pakistan cô lập. Điều này sẽ khiến cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ hơn.

Nguy cơ các thành phần cực đoan mới nổi lên

Những điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ và những thách thức trong việc điều hành đất nước Afghanistan có thể làm gia tăng căng thẳng nội bộ trong những tháng tới.

Mạng lưới Haqqani hoặc một thành phần mới khác có thể dấy lên những thách thức đối với các nhà cầm quyền hiện nay và châm ngòi cho những đấu đá nội bộ tương tự như sự đối địch giữa các nhóm mujaheedin những năm 1990.

Trong những tuần tới, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan (IS-K), nhóm khủng bố đã tuyển mộ thành viên từ Taliban và các nhóm cực đoan ở Pakistan, có thể tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào chính phủ lâm thời, tương tự như Taliban đã tấn công chính phủ được phương Tây hậu thuẫn trước đây.

Nếu không có các lực lượng cánh tả, tự do dân chủ, viễn cảnh ảm đạm mà người dân Afghanistan không mong muốn là các thành phần khác, thậm chí cực đoan hơn cả Taliban sẽ nổi lên tranh giành quyền lực. Các cuộc đấu đá nội bộ giữa các thành phần Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan là điều có thể dự đoán được./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện