Thế giới

Ấn Độ chuẩn bị triển khai quân khi nguy cơ xung đột biên giới với Trung Quốc gia tăng

17:27, 09/11/2021
Ấn Độ đang nỗ lực làm việc toàn thời gian để hỗ trợ tốt hơn cho các lực lượng bảo vệ biên giới trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này và Trung Quốc gia tăng tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Kế hoạch triển khai quân

Tuy vậy chi phí cho các hoạt động đó vẫn là một thách thức. Một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết, quân đội nước này “đang chuẩn bị cho việc triển khai quân đội, vũ khí và trang thiết bị hỗ trợ dọc theo Đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) ở phía Đông Ladakh trong mùa Đông năm nay để phản ứng trước những thách thức từ phía Trung Quốc”.

Binh lính Ấn Độ trên đường hướng đến Ladakh. Ảnh: AP
Binh lính Ấn Độ trên đường hướng đến Ladakh. Ảnh: AP

Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới chưa được phân định dài 3.500km dọc theo khu vực LAC trên dãy Himalaya. LAC không được đánh dấu trên thực địa và cũng không nằm trong bản đồ chính thức của cả 2 nước.

Trong một cuộc họp vào tháng 10 vừa qua, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Tướng Manoj Mukund Naravane cho biết: “Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự ở phía Đông Ladakh và phát triển những cơ sở hạ tầng mới để chuẩn bị cho việc triển khai quy mô lớn là vấn đề đáng lo ngại”. Theo ông Mukund Naravane, nếu Trung Quốc tiếp tục triển khai quân đội ở khu vực biên giới, Ấn Độ cũng sẽ làm như vậy.  

Quân đội Ấn Độ đã triển khai 50.000 binh sỹ, pháo binh, xe tăng chiến đấu chủ lực, hệ thống phòng không Akash, hệ thống tên lửa đất đối không phản ứng nhanh, hệ thống phòng không Igla-S, bệ phóng tên lửa đa nòng Pinaka, xe chiến đấu bộ binh.

Một quan chức khác cho biết, quân đội đang thực hiện kế hoạch bảo trì vũ khí và cung cấp thiết bị hỗ trợ cho các lực lượng đồn trú dọc theo biên giới. Nhưng điều kiện thời tiết giá lạnh khắc nghiệt tại khu vực này đang đặt ra thách thức lớn. Theo kế hoạch, khoản kinh phí sử dụng cho mỗi binh sỹ từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 sẽ là 15.000 USD.  Lực lượng biên giới sẽ được cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, cùng dịch vụ y tế, dịch vụ hậu cần, đạn dược, trang thiết bị và những phương tiện phù hợp với điều kiện thời tiết.

Quân đội nước này đã chi khoảng 100 triệu USD để xây dựng hàng trăm lều trại có đầy đủ điện nước, hệ thống sưởi cùng các trang thiết bị khác. Một số lều trại trong số này nằm gần biên giới tại phía Đông Ladakh.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tăng cường khả năng tình báo, giám sát, trinh sát và radar giám sát chiến trường, vệ tinh quân sự và vệ tinh quan sát Trái Đất.

Kế hoạch chuẩn bị cho việc triển khai quân nói trên của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Trung Quốc leo thang căng thẳng sau các cuộc đụng độ đẫm máu tại khu vực biên giới tranh chấp vào năm 2020, đặc biệt là sau khi Trung Quốc thông qua Luật bảo vệ và quản lý biên giới đất liền, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Nguy cơ xung đột tại biên giới gia tăng

Trong bài bình luận trên Nikkei Asia, ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ) cho rằng, mặc dù khả năng đối đầu quân sự giữa hai nước có vũ trang hạt nhân là Trung Quốc và Ấn Độ ít được nhắc đến, nhưng nguy cơ xảy ra giao tranh tại khu vực biên giới giữa hai nước ngày càng gia tăng.

Nhà phân tích này nhận xét, Luật Bảo vệ và quản lý biên giới đất liền của Trung Quốc có thể cản trở các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình. Thay vì đưa ra những giải pháp được cả hai phía chấp nhận, luật cho phép Trung Quốc áp đặt các hành động đơn phương tại vùng biên giới này. 

Luật biên giới trên đất liền là ví dụ mới nhất về cách thức Trung Quốc sử dụng các luật lệ trong nước để thực hiện tham vọng mở rộng lãnh thổ của mình, chuyên gia Brahma Chellaney lưu ý. Luật này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi  Luật Hải cảnh gây tranh cãi của Trung Quốc có hiệu lực.

Nếu như Luật Hải cảnh giúp Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình quân sự hóa trên biển thì Luật Biên giới trên đất liền sẽ đẩy nhanh quá trính quân sự hóa dãy Himalaya, ông Brahma Chellaney nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, ngoài việc lạm dụng luật pháp trong nước để thực hiện các mục đích chính trị và quân sự, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược như “cắt lát salami” và cưỡng ép để thực hiện các mục tiêu mở rộng lãnh thổ của nước này. Những hành động này của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Philippines đã bày tỏ quan ngại về Luật hải cảnh, cho đây là sự vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Ấn Độ cũng đã lên tiếng chỉ trích Luật Biên giới của Trung Quốc. Thời gian gần đây, nước này đã phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhằm gửi thông điệp cảnh báo với Trung Quốc, đồng thời tiến hành các cuộc diễn tập nhảy dù ở biên giới mô phỏng kịch bản chống lại các hành vi xâm nhập biên giới./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện