ECDC khuyến cáo châu Âu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Ảnh: DW |
“Chúng tôi lo ngại về việc nhiều người có cảm giác an toàn giả tạo rằng vắc xin đã giúp chấm dứt đại dịch. Họ nghĩ rằng những người đã tiêm vắc xin không cần thực hiện bất cứ biện pháp phòng ngừa nào khác”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 25/11 nói trong một cuộc họp báo về tình hình COVID-19 ở châu Âu.
Ông Tedros cảnh báo rằng “chưa có quốc gia và vùng lãnh thổ nào hết dịch”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “áp dụng các biện pháp phù hợp để ngăn chặn hậu quả tồi tệ của bất cứ làn sóng dịch nào trong tương lai”. Người đứng đầu WHO cũng kêu gọi các bên chia sẻ thành quả của khoa học và từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19.
Trước đó một ngày, WHO cảnh báo tổng số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu có thể tăng từ 1,5 triệu lên 2,2 triệu trong mùa đông năm nay nếu làn sóng hiện tại không được kiểm soát.
Trong báo cáo mới nhất, WHO cảnh báo tình hình sẽ trở nên “căng thẳng, thậm chí cực kỳ căng thẳng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở 49 trên tổng số 53 quốc gia khu vực châu Âu từ nay đến ngày 1/3/2022”. “Tổng số ca tử vong có thể lên tới hơn 2,2 triệu ca vào mùa xuân năm sau”, WHO dự đoán, tăng 700.000 ca so với con số 1,5 triệu ca hiện tại.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) mới đây thay đổi quan điểm về việc tiêm vắc xin liều tăng cường, và khuyến nghị áp dụng mũi tiêm thứ ba cho tất cả những người trưởng thành, ưu tiên những người trên 40 tuổi, thay vì chỉ tiêm cho người già yếu, suy giảm miễn dịch.
“Bằng chứng từ Israel và Anh cho thấy liều tăng cường có thể gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm virus và mắc bệnh nặng ở tất cả các nhóm tuổi trong thời gian ngắn”, AP dẫn báo cáo của ECDC.
Andrea Ammon, người đứng đầu ECDC, khuyến cáo các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nên đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, triển khai tiêm liều tăng cường và áp dụng các biện pháp hạn chế khác. “Và cả ba việc đó nên được thực hiện ngay bây giờ”, bà Ammon nhấn mạnh. “Chúng ta không được lựa chọn”.
Theo dữ liệu của ECDC, khoảng 66% dân số thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm chủng đủ liều. “Vẫn còn một khoảng trống tiêm chủng lớn mà chúng ta không thể lấp đầy ngay lập tức. Và điều đó đã tạo điều kiện cho virus lây lan”, bà Ammon nói. Theo người đứng đầu ECDC, biện pháp phong toả - giống như những gì Áo đang làm - là một chiếc “phanh khẩn cấp”, được sử dụng khi “chúng ta muốn giảm số ca bệnh trong thời gian ngắn”.
Khi được hỏi có cần thiết phải huỷ bỏ các lễ hội cuối năm hay không, bà Ammon trả lời: “Chúng ta vẫn còn khoảng một tháng nữa mới đến Giáng sinh. Nhưng nếu tình hình không được cải thiện, thì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng nên được áp dụng trong suốt kỳ nghỉ lễ”.
Phát hiện biến thể chứa nhiều đột biến hơn Delta
Biến chủng B.1.1.529 được phát hiện lần đầu tại Botswana và đã có 6 ca bệnh được xác nhận ở Nam Phi. Đến nay mới có 3 quốc gia xác nhận tổng số 10 ca bệnh bằng phương pháp sắp xếp chuỗi gien, nhưng biến chủng này đang khiến các nhà nghiên cứu lo ngại vì số lượng đột biến cực kỳ cao có thể giúp virus lẩn trốn hệ miễn dịch.
Chủng B.1.1.529 có 32 đột biến trong protein gai, tức phần của virus mà hầu hết các loại vắc xin dùng để tạo ra miễn dịch chống lại COVID-19. Các đột biến trong protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm của virus, đồng thời khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn, The Guardian đưa tin.
TS Tom Peacock, nhà virus học tại ĐH Hoàng gia London (Anh), đăng thông tin chi tiết về biến thể này trên trang web chuyên chia sẻ về chuỗi gien. Ông nhấn mạnh rằng số lượng đột biến cực kỳ cao gợi ý rằng đây có thể là điều thực sự đáng lo ngại. Trong hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội Twitter, TS Peacock cho rằng “cực kỳ cần giám sát biến chủng này vì số lượng protein gai cao kinh khủng”, nhưng cũng có thể là một “nhóm kỳ lạ” không có tính lây lan cao lắm. “Tôi hy vọng như vậy”, ông viết.
TS Meera Chand, công tác tại Cơ quan An ninh y tế Anh, cho biết cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan khoa học trên toàn cầu, và liên tục giám sát các biến thể của SARS-CoV-2 khi chúng xuất hiện và lây lan trên thế giới. “Bản chất của các loại virus là đột biến liên tục và ngẫu nhiên, nên không có gì lạ khi một số trường hợp xuất hiện với tập hợp đột biến mới. Bất kỳ biến thể nào cho thấy bằng chứng về khả năng lây lan đều được đánh giá nhanh chóng”, bà cho biết.
GS Ravi Gupta, chuyên gia về vi sinh học lâm sàng tại ĐH Cambridge (Anh), cho biết phòng thí nghiệm của ông tìm ra 2 trong số các đột biến của B.1.1.529 làm tăng khả năng lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết của kháng thể. “Nó chắc chắn là một mối quan tâm đáng kể dựa trên những đột biến hiện tại. Tuy nhiên, tính chất quan trọng nhất của virus mà giới khoa học chưa tìm ra là khả năng lây nhiễm của nó, vì đó là tính chất nổi bật nhất của biến thể Delta. Lẩn tránh hệ miễn dịch chỉ là một phần của vấn đề”, GS Gupta nói với The Guardian.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ ngày 25/11, tại 15 tiểu bang, bệnh nhân được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 đang sử dụng nhiều giường ICU hơn so với một năm trước. Colorado, Minnesota và Michigan lần lượt có 41%, 37% và 34% số giường ICU được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19, theo Bloomberg. Sự gia tăng đó đồng nghĩa với việc sẽ có ít không gian hơn trong bệnh viện cho những người mắc các bệnh nguy hiểm khác.“Nhiều bác sĩ của chúng tôi sắp không chống đỡ nổi”, Ali Mokdad, giáo sư của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của ĐH Washington, cho biết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin