Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu đang là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận sự gia tăng số ca tử vong do Covid-19, tăng hơn 5% kể từ đầu tháng này.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nói hôm 19/11 đã ban hành lệnh tiêm chủng bắt buộc đối với toàn dân từ tháng 2/2020, biện pháp mà các quốc gia khác ở Tây Âu đến nay vẫn nỗ lực né trảnh vì lo ngại phản ứng dữ dội của công chúng và những thách thức tiềm ẩn khác.
Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại Vienna, Áo, ngày 18/11. Ảnh: Reuters. |
“Bây giờ chúng ta phải đối mặt với thực tế”, Thủ tướng Schallenberg, nói với các phóng viên ở Vienna. Ông cho biết từ tháng 2/2022, yêu cầu tiêm chủng sẽ được áp dụng cho tất cả người dân và không đưa ra chi tiết về độ tuổi tối thiểu.
Áo trở lại những ngày đầu đại dịch
Gần đây, tình trạng tại các bệnh viện ở Áo gợi nhớ đến những ngày đầu của đại dịch, với hình ảnh các bác sĩ phải đưa ra lựa chọn đau đớn, quyết định xem họ có thể điều trị cho bệnh nhân nào.
Tại một bệnh viện ở vùng Thượng Áo, khu vực giáp biên giới với bang Bavaria của Đức và là một trong những nơi bị dịch bệnh tàn phá nặng nề nhất, các thi thể xếp dọc các hành lang, truyền thông Áo đưa tin.
Thủ tướng Schallenberg nói rằng việc đưa ra các biện pháp mới không phải là “quyết định dễ dàng”, chúng dựa trên mức độ lây nhiễm và “nhằm mục đích bảo vệ tất cả chúng ta”.
Đã có những người phản đối việc áp đặt yêu cầu tiêm chủng ở Áo. Nhưng các chuyên gia cho biết có rất ít khả năng xảy ra sự phản kháng trên cơ sở pháp lý đối với quy định này.
“Trong tình hình hiện tại, mọi thứ thảm khốc đến mức sẽ không có bất kỳ vấn đề hiến pháp nào đối với lệnh tiêm chủng bắt buộc”, Heinz Mayer, một chuyên gia hiến pháp và là cựu chủ nhiệm khoa luật của Đại học Vienna, cho biết.
“Chúng tôi chưa bao giờ gặp tình huống cấp bách như vậy. Mỗi ngày có hàng chục người chết. Tình trạng này đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát”, ông nói thêm.
Lệnh phong tỏa mới
Trong khi đó, lệnh phong tỏa toàn quốc tại Áo sẽ bắt đầu vào ngày 22/11. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ bị đóng cửa và người dân được yêu cầu không rời khỏi nhà ngoại trừ những lý do như đi mua hàng hóa thiết yếu hoặc đi khám bệnh.
Lối vào chợ Giáng sinh bị đóng cửa ở Salzburg, Áo, vào ngày 19/11. Ảnh: AFP. |
Những hạn chế mới là một đòi hỏi quá đáng đối với những người đã được tiêm chủng nhưng có quá nhiều người “thể hiện sự thiếu đoàn kết”, Thủ tướng Schallenberg nói.
Các khu chợ Giáng sinh nổi tiếng của Áo sẽ buộc phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa mới sẽ được đánh giá lại sau khoảng thời gian 10 ngày và 20 ngày.
Trước đó, Áo đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp lệnh phong tỏa toàn quốc đối với người chưa tiêm chủng từ hôm 15/11.
Tuy nhiên, ông Schallenberg nhấn mạnh rằng lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm chủng là không đủ để tăng tỷ lệ tiêm vaccine. Và số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng lên.
“Chúng tôi phải thực hiện các biện pháp cứng rắn, nếu không hệ thống chăm sóc y tế sẽ sụp đổ”, Günther Platter, Thống đốc vùng Tyrol của Áo, phát biểu trong cùng cuộc họp báo với thủ tướng ngày 19/11.
Ông Platter cho biết tiêm chủng là cách duy nhất để phá vỡ "vòng luẩn quẩn" của các đợt bùng phát và lệnh phong tỏa.
Cho tới nay, quốc gia có dân số gần 9 triệu người đã ghi nhận 1,03 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 11.951 ca tử vong.
Nhiều nước châu Âu khác bên bờ vực phong tỏa
Tỷ lệ tiêm chủng ở các quốc gia châu Âu có sự chênh lệch lớn, từ hơn 80% ở các vùng Tây Âu đến dưới 30% ở những nơi như Bulgaria. Hiện vẫn chưa rõ liệu các quốc gia khác có đưa ra quyết định phong tỏa cứng rắn như Áo hay không.
Mọi người tụ tập trên phố mua sắm Marienhilfer Strasse ở Vienna vào ngày 19/11/2021. Ảnh: AP. |
Italy từng có ý định áp đặt yêu cầu tiêm chủng toàn dân nhưng hiện dường như đã từ bỏ biện pháp cứng rắn này. Vào tháng 10, Italy đã đưa ra một quy định nghiêm ngặt, yêu cầu tất cả nhân viên, trong cả khu vực công và tư nhân, phải xuất trình thẻ y tế chứng minh đã tiêm vaccine, từng được chữa khỏi bệnh Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính.
Tuy nhiên, theo một quan chức chính phủ giấu tên, lệnh tiêm chủng toàn quốc ở Italy vẫn chỉ là một lựa chọn.
“Bắt buộc người khác làm bất cứ điều gì không bao giờ là tốt đẹp. Nhưng đó là một công cụ chúng tôi có và có thể sử dụng trong những trường hợp cấp bách”, quan chức này cho biết.
Ở Pháp, tiêm chủng là bắt buộc đối với y tá, lính cứu hỏa và một số ngành nghề khác. Đầu tuần này, Bỉ đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà 4/5 ngày.
Ở nước Đức láng giềng, nơi tỷ lệ mắc Covid-19 đã phá vỡ mọi kỷ lục quốc gia trong những ngày gần đây, chính phủ vẫn né tránh việc ban hành lệnh tiêm chủng toàn quốc và tuyên bố sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa đối với người đã tiêm vaccine.
Tuy nhiên, các biện pháp mới đang được áp dụng ở Đức. Kể từ ngày 22/11 ở Berlin, chỉ những cư dân đã được tiêm chủng hoặc đã bình phục mới có thể đến nhà hàng hoặc quán bar.
Trong những ngày đầu của đại dịch ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel đảm bảo với người dân rằng việc tiêm chủng sẽ không trở thành bắt buộc.
Một số nhà phân tích tin rằng những yêu cầu như vậy có thể phản tác dụng và thúc đẩy các phong trào chống vaccine, vốn đặc biệt sôi nổi ở Đức.
Tuy nhiên, trong tuần này, khi được hỏi liệu có khả năng Đức sẽ áp đặt lệnh phong tỏa một lần nữa hay không, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết “Chúng ta đang ở trong tình trạng không thể loại trừ bất cứ khả năng nào.
Lothar Wieler, người đứng đầu Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, hôm 19/11 nói rằng toàn bộ nước này đang trải qua đợt bùng phát lớn. “Đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia”, ông nhấn mạnh.
Konstanze Castaneda, 41 tuổi, người làm việc trong lĩnh vực sản xuất phim, chia sẻ: “Tôi thất vọng với những người không tiêm chủng. Họ có lựa chọn và chúng tôi lẽ ra có thể tránh được tình trạng này”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin