“Thời đại” Tập Cận Bình
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua nghị quyết về những kinh nghiệm lịch sử và các thành tựu nước này đạt được, hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin. Đây được coi là một văn kiện nhằm củng cố hơn nữa quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nghị quyết lịch sử đưa được ra vào ngày 11/11 - ngày họp cuối cùng của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Ủy ban Trung Ương khẳng định, bài học rút ra từ lịch sử đảng là giữ vững nguyên tắc trong 10 lĩnh vực với vai trò của người lãnh đạo đảng là ưu tiên hàng đầu.
"Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, lấy ông Tập Cận Bình là nòng cốt để thực hiện đầy đủ thời đại mới của chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình", tài liệu này cho hay.
Trước thềm hội nghị, giải pháp này từng được coi là nhằm củng cố vị trí của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như đảm bảo khả năng ông sẽ đạt được nhiệm kỳ thứ ba.
Đây mới chỉ là lần thứ ba "nghị quyết lịch sử" được thông qua kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập năm 1921. Hai lần thông qua nghị quyết trước đó, một lần vào năm 1945 và một lần vào năm 1981, đều được đưa ra nhằm củng cố quyền lực của các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Ông Tập Cận Bình được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời ông Mao Trạch Đông. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bỏ giới hạn nhiệm kỳ về vị trí Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình năm 2018, cho thấy ý định sẽ tiếp tục nắm quyền của nhà lãnh đạo này.
Khi giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước được hủy bỏ vào năm 2018, các quan chức nhận định với báo giới rằng, ông Tập Cận Bình cần có nhiều thời gian hơn để đảm bảo những cải cách kinh tế cũng như những cải cách trên các lĩnh vực khác được tiến hành.
Đây là "nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm củng cố hơn nữa quyền lực và xác định di sản lịch sử của mình trong lịch sử của đảng", Jinghan Zeng, giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và quan hệ quốc tế tại Đại học Lancaster ở Anh nhận định.
Học thuyết chính trị của ông Tập Cận Bình, còn được gọi là "Tư tưởng Tập Cận Bình" đã được lồng ghép trong các mặt của đời sống xã hội Trung Quốc, thậm chí được đưa cả vào sách giáo khoa từ tiểu học cho tới đại học. Nghị quyết lịch sử mới được thông qua sẽ củng cố hơn nữa sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình cũng như định hình đặc trưng của nền chính trị Trung Quốc trong những năm tới và có thể là những thập kỷ tới.
Nhìn chung, kết luận của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tóm gọn lại bằng một thông điệp đơn giản: Đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được mục tiêu trong 100 năm đầu tiên và hiện nay đã sẵn sàng để bước sang chương mới - được định nghĩa bởi ông Tập Cận Bình.
Tương lai Trung Quốc
Các chuyên gia nhận định, việc thông qua nghị quyết lịch sử này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy kỷ nguyên mới này đã bắt đầu. Nghị quyết này khẳng định, việc thông qua nghị quyết là điều cần thiết để ủng hộ mạnh mẽ "vị trí nòng cốt của ông Tập Cận Bình trong Ủy ban Trung ương và trong Đảng nói chung".
Ông Geremie R. Barmé, một nhà sử học về Trung Quốc tại New Zealand nhận định: "Đây không phải là một nghị quyết về lịch sử quá khứ mà là một nghị quyết về sự lãnh đạo tương lai".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 68 tuổi, là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong hàng thập kỷ. Ông đã nhận được sự ủng hộ của người dân Trung Quốc trong nỗ lực chống tham nhũng, giảm đói nghèo và củng cố tiếng nói của Trung Quốc trên thế giới.
Nghị quyết trên cũng được đưa ra giữa bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng trên thế giới. Trung Quốc được cho là sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 1 thập kỷ tới. Lượng tiêu thụ than đá của Trung Quốc có ý nghĩa quyết định với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Bắc Kinh cũng đang bị cuốn vào những tranh cãi với Washington trên một loạt vấn đề từ thương mại, sở hữu trí tuệ cho tới nhân quyền và vấn đề Đài Loan./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin