Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18-1, Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y thế giới (WHO) - bà Soumya Swaminathan khẳng định hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy trẻ em và trẻ vị thành niên khỏe mạnh sau khi tiêm đủ hai liều tiêu chuẩn vaccine ngừa COVID-19 cần phải tiêm thêm các liều tăng cường, theo hãng tin Reuters.
Bà cho rằng dù biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh và có khả năng làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định xem đối tượng nào thực sự cần tiêm liều tăng cường, đối tượng nào không.
Trưởng nhóm khoa học của WHO Soumya Swaminathan trong cuộc họp báo ngày 18-1. Ảnh: REUTERS |
Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược (SAGE) về tiêm chủng của WHO cũng sẽ nhóm họp trong tuần này để thảo luận xem các quốc gia nên tiếp cận viêm tiêm tăng cường vaccine như thế nào.
"Mục tiêu chính vẫn là bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương nhất, những đối tượng dễ nhiễm các bệnh nghiêm trọng và tử vong, những người cao tuổi, những người có hệ miễn dịch suy yếu và cả nhân viên y tế đang làm việc" - bà Swaminathan cho hay.
Cùng có mặt trong buổi họp báo là Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO - ông Michael Ryan cũng nói thêm WHO hiện chưa biết con người sẽ cần bao nhiêu liều tăng cường và có cần phải tiêm thường xuyên hay không, theo đài CNBC.
Ông Michael Ryan trong cuộc họp báo ngày 18-1. Ảnh: REUTERS |
"Nhiều người lo ngại từ đây phải tiêm tăng cường mỗi 2-3 tháng một lần và ai cũng bị bắt buộc phải tiêm, nhưng chúng tôi đến nay chưa có câu trả lời cho việc đó" - ông nói, đồng thời chia sẻ giới chuyên gia cũng đang tính toán lại số liều tiêu chuẩn để bảo vệ cơ thể trước COVID-19.
Người khỏe mạnh có thể chỉ cần hai liều như cũ, song người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ cần tới 3-4 liều, theo ông.
Phát ngôn của hai chuyên gia được đưa ra trong bối cảnh Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa cho phép tiêm liều tăng cường cho trẻ em từ 12-17 tuổi để chống lại làn sóng Omicron đang quét qua nước này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin