Tổng thống Joe Biden ngày 11/3 tuyên bố, Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU) và nhóm 7 cường quốc có nền công nghiệp phát triển (G7) sẽ kêu gọi thu hồi quy chế "tối huệ quốc" đối với Nga, vốn thường được nhắc đến như quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) ở Mỹ.
Lãnh đạo Nhà Trắng giải thích, quy chế PNTR có nghĩa, hai quốc gia đã nhất trí tạo những điều kiện tốt nhất cho thương mại song phương, có thể bao gồm thuế suất thấp hơn, ít rào cản hơn đối với thương mại và việc nhập khẩu cao.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Bloomberg |
Theo CNN, quyết định đòi hỏi sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Một luật mới dự kiến sẽ được ban hành tiếp sau thông báo của ông Biden.
"Việc thu hồi PNTR dành cho Nga sẽ khiến Nga gặp khó khăn hơn trong làm ăn với Mỹ. Việc Mỹ thực hiện điều đó cùng với các quốc gia khác đang chiếm một nửa nền kinh tế toàn cầu, sẽ là một đòn giáng mạnh nữa đối với nền kinh tế Nga, vốn đang bị ảnh hưởng rất nặng nề từ các lệnh trừng phạt của chúng tôi. Nhiều vấn đề đang chia rẽ chúng tôi ở Washington, nhưng ủng hộ nền dân chủ ở Ukraine, đẩy lui sự gây hấn của Nga không nên là một trong những vấn đề đó. Thế giới tự do đang xích lại gần nhau để đối đầu với (Tổng thống Nga) Putin", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Ông Biden cảm ơn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vì đã "ủng hộ mạnh mẽ" chính phủ trong vấn đề này và giữ nguyên luật pháp tại Hạ viện cho đến khi ông "có thể sắp xếp mọi đồng minh quan trọng để khiến tất cả hoàn toàn thống nhất".
Ông Biden cũng tuyên bố, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu hàng hóa từ một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm thủy sản, rượu vodka và kim cương phi công nghiệp. Nhà Trắng ước tính, động thái sẽ khiến Nga mất hơn 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu.
Ngoài ra, tổng thống Mỹ sẽ ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt việc xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ, bao gồm rượu mạnh, thuốc lá, quần áo, đồ trang sức, xe hơi và đồ cổ, sang Nga.
Một quan chức Nhà Trắng chia sẻ với CNN rằng, mục tiêu của việc này là tiếp tục làm tổn hại cho các nhà tài phiệt và những người giàu có nhất của Nga bằng cách tước đoạt những tiện nghi của họ. Washington cũng nhằm loại bỏ các cách thức để các nhà tài phiệt Nga cất giữ tiền, khi họ ngày càng bị loại trừ khỏi các kênh tài chính truyền thống.
Theo ông Biden, các nhà lãnh đạo G7 sẽ tìm cách khiến Nga mất khả năng vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Lãnh đạo Nhà Trắng khẳng định, Mỹ và các đồng minh "sẽ tiếp tục siết chặt và bắt ông Putin phải trả giá" vì phát động chiến dịch tấn công quân sự ở nước láng giềng.
Cùng ngày, Chính phủ Anh đã chính thức áp các biện pháp trừng phạt đối với 386 nghị sĩ thuộc Duma quốc gia (Hạ viện Nga) như tuyên bố ngày 22/2. London cho biết sẽ tìm cách cấm xuất khẩu các xa xỉ phẩm sang Nga để gia tăng áp lực ngoại giao đối với ông Putin.
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Anh Liz Truss giải thích, động thái trên nhắm vào "những kẻ đồng lõa, ủng hộ cuộc tấn công bất hợp pháp của chính quyền Putin vào Ukraine".
Theo Bộ Ngoại giao Anh, các thành viên Duma quốc gia Nga sẽ bị cấm đến Anh, tiếp cận các tài sản đang nắm giữ ở Anh hoặc kinh doanh tại đây. EU đã áp trừng phạt tương tự với chính những nhà lập pháp này.
Trước đó, hôm 10/3, Anh công bố trừng phạt thêm 7 doanh nhân Nga, bao gồm cả ông chủ CLB bóng đá Chelsea Roman Abramovich, trong một nỗ lực nhằm thu hồi các tài sản của giới tài phiệt Nga ở xứ sở sương mù và gia tăng áp lực lên lãnh đạo Điện Kremlin cùng các đồng minh.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bác bỏ những lời chỉ trích từ các chính trị gia và nhà hoạt động đối lập rằng, nước này chậm hơn các đồng minh quốc tế trong việc giáng đòn trừng phạt, khiến các đại gia Nga có thời gian để tẩu tán tài sản của họ đi nơi khác. Song, các bộ trưởng Anh thừa nhận, chế độ trừng phạt hiện tại của nước này quá rườm rà và chính phủ sẽ thông qua luật khẩn cấp để hợp lý hóa quy trình đó.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin