Các quan chức cấp cao khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO ngày 16/03 nhắc lại lập trường kiên định của khối này từ nhiều tuần qua là sẽ không lập vùng cấm bay tại Ukraine, bất chấp yêu cầu từ chính phủ nước này, vì không muốn NATO bị kéo vào một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Brussels sau cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết, toàn bộ các nước thành viên NATO một lần nữa thống nhất quan điểm không ủng hộ việc thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Ukraine, bất chấp các lời kêu gọi liên tục từ phía Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy.
Theo Tổng thư ký NATO, mặc dù cuộc chiến hiện nay tại Ukraine đang rất tàn khốc nhưng hậu quả sẽ còn trầm trọng hơn nhiều nếu như NATO có hành động quân sự như gửi quân tham chiến hay thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine bởi hành động đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện giữa NATO và Nga, có thể đe doạ sự tồn vong của toàn thể nhân loại.
Đây là quan điểm được NATO công khai ngay từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine và được hầu hết tất cả các quan chức cấp cao của NATO và các quốc gia thành viên, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson, nhắc lại nhiều lần trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ L.Austin và Tổng Thư ký NATO - Jens Stoltenberg: |
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Christine Lambrecht cũng cho rằng, hiện NATO có hai nhiệm vụ ưu tiên, trong đó có việc không được để xảy ra xung đột trực diện với Nga.
“Cùng với việc đảm bảo rằng các lực lượng NATO có năng lực phản ứng nhanh chóng ngay khi có tình huống đe doạ, NATO cũng cần phải đảm bảo rằng cuộc chiến hiện nay không biến thành cuộc chiến của NATO. Đây là điều trọng yếu và tất cả mọi người đều phải bảo đảm rằng điều đó sẽ không xảy ra” - Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh việc khẳng định sẽ không để NATO bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc chiến tại Ukraine, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng đã thảo luận về kế hoạch phòng thủ mới của khối.
Theo một số quan chức NATO, mặc dù hiện tại không có dấu hiệu cho thấy phía Nga sẽ leo thang xung đột với các thành viên NATO nhưng NATO không thể loại bỏ kịch bản này và cần lên sẵn phương án ứng phó.
Trong cuộc họp ngày 16/03, các tướng lĩnh chỉ huy NATO đã đệ trình các phương án tác chiến khẩn cấp cũng như các biện pháp nhằm tăng cường khả năng răn đe của khối này.
Các biện pháp này dự kiến sẽ được nguyên thủ các nước NATO thảo luận chi tiết trong cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp tổ chức vào ngày 24/03 tới tại Brussels, với sự tham dự trực tiếp của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngoài ra, các quan chức NATO cũng đang chuẩn bị công bố học thuyết an ninh trong tình hình mới của khối này để đưa ra thảo luận tại Thượng đỉnh NATO tổ chức vào tháng 06/2022 tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin