Tờ The Guardian dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, phía quân Nga "chịu tổn thất nặng nề về nhân sự và trang thiết bị".
Ảnh: Ukrinform |
Trong khi đó, Mỹ bày tỏ không tin Nga sắp mở một cuộc tấn công đổ bộ vào hoặc gần Odessa, thành phố cảng bên bờ Biển Đen ở miền nam Ukraine. Một quan chức Mỹ giấu tên chỉ ra rằng, Nga đã phóng tổng cộng 600 tên lửa kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, và đã triển khai vào Ukraine khoảng 95% lực lượng chiến đấu mà nước này đã sắp đặt trước bên ngoài quốc gia láng giềng.
Nguồn tin phản ánh các lực lượng Nga vẫn tiếp tục đà tiến và cô lập Kiev, Kharkhiv và Chernihiv nhưng gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine.
Theo tin tức từ The Guardian, Hàn Quốc là quốc gia mới nhất thông báo thêm hành động kinh tế nhằm vào Nga. Từ hôm nay (7/3), Seoul sẽ phong tỏa bất kỳ tài sản nào do Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ bằng đồng won và ngừng giao dịch với ngân hàng này. Bước đi được thực hiện tiếp sau động thái tương tự của Mỹ và EU.
Hàn Quốc cũng công bố nhiều hình phạt mới đối với các quỹ tài sản chủ quyền của Nga, Quỹ Tài sản quốc gia Liên bang Nga, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga và Ngân hàng Rossiya, nhằm loại bỏ họ khỏi bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với người dân và doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tuần trước, Seoul đã ra quyết định cấm các giao dịch với 7 ngân hàng lớn của Nga cùng các chi nhánh của họ, bao gồm cả Sberbank.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp báo qua video ngày 7/3/2022. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, tình hữu nghị giữa Bắc Kinh và Moscow vẫn rất mạnh mẽ, và Bắc Kinh sẵn sàng giúp hòa giải giữa Nga và Ukraine.
"Tình hữu nghị giữa hai dân tộc vững như bàn thạch, và các triển vọng hợp tác trong tương lai của hai bên rất rộng lớn", ông Vương Nghị khẳng định tại một cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/3. Quan chức này miêu tả quan hệ Nga – Trung là "mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới" và "có lợi cho hòa bình, ổn định cũng như sự phát triển của thế giới".
Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, nước này sẽ gửi viện trợ nhân đạo tới Ukraine.
Kyodo News ngày 7/3 đưa tin, Nhật Bản được cho là đang thảo luận với Mỹ cùng một số nước châu Âu về khả năng cấm nhập khẩu dầu lửa Nga. Theo Reuters, Nga cung cấp khoảng 3,63% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật trong năm 2021. Trong khi các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga được cho là không ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định của Tokyo về khí đốt tự nhiên hóa lòng (LNG), nhưng chúng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án liên quan đến năng lượng, theo Bộ trưởng Công nghiệp Koichi Hagiuda.
"Chúng tôi sẽ theo sát (các diễn biến)", ông Koichi nêu quan điểm và cho biết Nhật sẽ hành động phù hợp với nhóm G7.
Josep Borrell, quan chức cấp cao của EU, cảnh báo nếu Nga tiếp tục bắn phá Ukraine thì sẽ có tới 5 triệu người Ukraine sẽ rời khỏi đất nước này và châu Âu cần phải sẵn sàng tiếp nhận.
"Chúng ta phải chuẩn bị tiếp nhận khoảng 5 triệu người… Chúng ta phải huy động mọi nguồn lực của EU để giúp những nước tiếp nhận họ. Chúng ta sẽ cần thêm trường học, thêm các trung tâm tiếp nhận… thêm tất cả mọi thứ", ông Borrel nói và tuyên bố sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn chi tiêu viện trợ của EU tại các quốc gia ủng hộ Nga về mặt ngoại giao hoặc không ủng hộ việc chỉ trích Moscow xâm lược Ukraine.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin