Theo các con số chính thức cuối cùng được Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp, ông Laurent Fabius công bố trong chiều 27/4, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận được tổng cộng 58,55% số phiếu bầu của cử tri Pháp tại vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào ngày 24/4 và tái đắc cử chức vụ Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2022-2027. Đối thủ của ông Emmanuel Macron là bà Marine Le Pen nhận được 41,45% số phiếu. Nhiệm kỳ mới của ông Macron sẽ chính thức bắt đầu vào lúc 0h00 ngày 14/5/2022.
Hội đồng Hiến pháp Pháp cũng cho biết, tỷ lệ cử tri Pháp vắng mặt tại vòng 2 cuộc bầu cử là 28,01%, con số cao thứ hai trong lịch sử nền Cộng hoà thứ V của nước Pháp. Đối với một số cáo buộc từ các phe đối lập về việc có gian lận trong bầu cử, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp, ông Laurent Fabius cũng cho biết, Hội đồng đã xem xét các điểm bất thường tại 48 điểm bỏ phiếu và quyết định huỷ 20.594 phiếu không hợp lệ, tương đương 0,06% tổng số phiếu của các cử tri đã đi bầu.
Tổng thống Pháp Macron thăm Cergy ngày 27/4. (Ảnh: Le Monde) |
Hội đồng Hiến pháp là cơ quan có thẩm quyền hiến pháp cao nhất tại Pháp và việc Hội đồng này chính thức công nhận chiến thắng của ông Macron sẽ mở đường cho đương kim Tổng thống Pháp tiến hành các cải tổ nội các mạnh mẽ trong những ngày tới, bắt đầu bằng việc chọn người giữ chức Thủ tướng mới của Pháp thay cho ông Jean Castex.
Trong ngày 27/4, ông Emmanuel Macron cũng đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau khi tái đắc cử khi đi thăm một khu chợ ở thành phố Cergy, một khu vực dân cư nghèo ở ngoại ô phía Tây Bắc thủ đô Paris và tuyên bố sẽ ban hành một loạt các chính sách nhằm hỗ trợ người nghèo trong lĩnh vực việc làm, nhà ở và an sinh xã hội. Tổng thống Pháp thừa nhận, tỷ lệ cử tri Pháp vắng mặt ở mức cao trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua là một lời cảnh báo về sự bất mãn của người dân.
“Khi tỷ lệ cử tri vắng mặt cao như thế thì đó không chỉ là sự giận dữ. Người dân Pháp không phải là không còn yêu thích nền Cộng hoà mà là vì họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong việc tìm được một công việc, đôi khi còn bị phân biệt đối xử và họ muốn được đảm bảo về an ninh. Khi cuộc sống không thay đổi họ sẽ tự hỏi đi bỏ phiếu thì có ích lợi gì? Vì thế, tôi có mặt ở đây là để gửi thông điệp tôn trọng và cảm thông và cam kết rằng tôi sẽ sát cánh cùng các khu vực nghèo của nước Pháp ngay từ những giờ phút đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm tới”, ông Emmanuel Macron nhấn mạnh.
Theo các nhà phân tích chính trị Pháp, việc ông Emmanuel Macron chọn một khu dân cư nghèo để thực hiện chuyến thăm đầu tiên sau khi tái cử Tổng thống là một phần trong chiến lược vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6/2022. Khu vực được ông Macron đến thăm là nơi mà ƯCV cánh tả Jean-Luc Mélenchon giành được tới 40% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.
Trong những ngày qua, các đảng cánh tả đang có những cuộc thảo luận ráo riết nhằm thành lập “Liên minh nhân dân” xung quanh trụ cột là đảng “Nước Pháp bất khuất” (LFI) của ông Jean-Luc Mélenchon, với tham vọng chiếm đa số tại Quốc hội Pháp vào tháng 6/2022, qua đó, buộc ông Macron phải lựa chọn một Thủ tướng đến từ cánh tả. Các phân tích hiện nay cho thấy, kịch bản này có khả năng xảy ra do ông Jean-Luc Mélenchon đang tạo được uy tín rất cao sau cuộc bầu cử Tổng thống trong khi đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” (LREM) của ông Macron hiện không còn giữ được ưu thế như 5 năm trước./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin