Ông Emmanuel Macron, 44 tuổi, đại diện cho đảng Cộng hòa Tiến bước theo xu hướng trung dung, là tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử trong 20 năm qua kể từ sau nhiệm kỳ của cố Tổng thống Jacques Chirac.
Chiến thắng thứ hai của Tổng thống Macron dường như rất khác so với lần đầu tiên. 5 năm trước, ông là một người đàn ông 39 tuổi bùng nổ trên chính trường Pháp với lời hứa sẽ “chôn vùi" sự chia rẽ đảng phái và xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng hơn.
Ông đã tổ chức một lễ kỷ niệm lớn tại sân chính bảo tàng Louvre để đánh dấu “bình minh” của một kỷ nguyên chính trị mới ở Pháp.
5 năm sau, đêm ngày 25/4, tổng thống Pháp có một màn ăn mừng nhẹ nhàng hơn cùng những người ủng hộ. Khi "Ode to Joy" của Beethoven, bài thánh ca châu Âu, được phát, ông bước lên khán đài Champ de Mars và cam kết một "phương pháp đổi mới" để điều hành đất nước.
Thế nhưng, các nhà quan sát nhận định 5 năm tới ở Điện Elysee sẽ không phải là một nhiệm kỳ dễ dàng khi ông Macron đối mặt với hàng loạt thách thức trong một nước Pháp chia rẽ, theo Guardian.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đánh bại bà Le Pen để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Ảnh: Reuters |
5 năm"chèo lái" của Tổng thống Macron
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Macron được đánh dấu bằng phong trào Áo vàng bắt đầu vào năm 2018, sau đó là đại dịch Covid-19 quét qua thế giới vào đầu năm 2020 và cuối cùng là cuộc xung đột ngay tại lục địa châu Âu.
Nước Pháp dưới thời của tổng thống trẻ nhất lịch sử đã xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa một bên là thành phần trung lưu, có tiền và bên còn lại là tầng lớp lao động, dưới ảnh hưởng của các khủng hoảng trên.
Bản thân ông Macron cũng thừa nhận như vậy trong bài diễn văn chiến thắng trước tháp Eiffel ở Paris ngày 24/4.
“Đất nước của chúng tôi đang bị bủa vây bởi những nghi ngờ và chia rẽ”, ông nói. “Cuộc bỏ phiếu hôm nay cho thấy chúng ta phải xem xét tất cả khó khăn trong cuộc sống của người dân và tìm ra câu trả lời cho sự tức giận”.
Dù nhận thất bại, lãnh đạo cực hữu Le Pen cho rằng kết quả vòng bỏ phiếu thứ hai là một “thắng lợi rực rỡ" cho phe đối lập. Đó là bởi số phiếu ủng hộ vị tổng thống 44 tuổi đã giảm mạnh. Năm 2017, ông Macron trở thành tổng thống với 66% phiếu bầu.
Những người ủng hộ ông Macron ăn mừng tại Champ de Mars. Ảnh: New York Times. |
Chính sách cải cách lao động và cắt giảm thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron đã được các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp Pháp ca ngợi.
Chương trình phục hồi sau đại dịch bằng “bất cứ giá nào”, nhằm giúp người lao động vượt qua khủng hoảng cũng được đánh giá cao.
Tuy nhiên, nhiều người Pháp nói rằng họ không thích ông Macron vì phong cách lãnh đạo bị chỉ trích là “kiêu ngạo" và “thiếu quan tâm đến người nghèo", theo Financial Times.
New York Times nhận định trong nhiệm kỳ đầu, ông không thể giải quyết tình trạng bất bình đẳng gia tăng, cũng như sự tức giận âm ỉ của các nhóm yếu thế ở khu vực bị bỏ quên hay vùng nông thôn hẻo lánh. Sự chia rẽ xã hội trở nên trầm trọng hơn khi thu nhập đình trệ, giá cả tăng vọt và các nhà máy chuyển ra nước ngoài.
"Tình huống lúc này chứng tỏ sự mong manh của xã hội Pháp”, Dominique Reyníe, nhà khoa học chính trị tại Sciences Po ở Paris, cho biết.
Ông lưu ý rằng trong khi Tổng thống Macron đã giành chiến thắng chung cuộc, bà Le Pen đã dẫn trước ở một số vùng của đất nước cũng như được yêu thích trong giới trẻ và tầng lớp lao động.
Nhiệm kỳ thứ hai sẽ khó khăn hơn
Ông Macron có thể sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai thách thức hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên.
Về kinh tế, các dự báo đều cho thấy tăng trưởng của Pháp có nguy cơ bị đe dọa do tác động của cuộc xung đột và dịch bệnh. Dự báo tăng trưởng của Pháp giảm xuống còn 2% thay vì 4%. Đó là chưa kể thâm hụt ngân sách và thương mại gia tăng.
Gần đây, một số lượng lớn cử tri cho biết họ gặp khó khăn trong việc kiếm sống và chi phí sinh hoạt trở thành vấn đề được thảo luận trong chiến dịch tranh cử lần này.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Macron cho biết ông sẽ duy trì quy định giá trần đối với xăng và điện, cũng như giảm giá nhiên liệu nếu chi phí năng lượng tiếp tục tăng.
Ông cũng đã vạch ra các biện pháp tiếp theo bao gồm hỗ trợ nhiều hơn cho những người được trả lương thấp và những người làm việc tự do.
Nông dân ở Brest, miền Bắc nước Pháp, đã biểu tình phản đối trước việc giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: AFP. |
Về xã hội, ông Macron hứa hẹn kế hoạch cải cách lương hưu mà ông không thể triển khai trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, sẽ được thực hiện vào mùa thu năm nay.
Trước đó, nhằm rút gọn hệ thống lương hưu cồng kềnh và giảm thâm hụt ngân sách, Tổng thống Macron đã công bố hơn 40 kế hoạch khác nhau trong đó có các đề xuất điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu và lương hưu, như tăng dần độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 65.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Christopher Dembik tại Saxo Bank cảnh báo ông Macron có thể sẽ đối mặt với sự bất mãn xã hội nếu muốn thực thi những cải cách nhạy cảm như lương hưu.
Các nghiệp đoàn cho rằng việc áp dụng lương hưu như vậy sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân làm việc lâu hơn hoặc bị giảm lương hưu.
Ông Philippe Martinez, người đứng đầu CGT, một trong những nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp, nói ông Macron sẽ không có "tuần trăng mật" và có thể sẽ diễn ra biểu tình nếu ông không thay đổi quan điểm.
Bên cạnh đó, Tổng thống Macron sẽ sớm tiến hành các cuộc tham vấn về cải cách hệ thống giáo dục tập trung của Pháp, trao quyền tự chủ hơn nữa cho các trường học và chế độ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là cải thiện dịch vụ ở các vùng nông thôn. Ông cũng cam kết sẽ tuyển dụng thêm cảnh sát, thẩm phán và nhân viên hỗ trợ tư pháp.
Dù vậy, giấc mơ về sự thay đổi xã hội có thể bị thay thế bởi những lo ngại về cuộc đối đầu chính trị trong mùa hè này.
Tháng 6 tới sẽ diễn ra kỳ bầu cử Quốc hội tại Pháp. Trong bài phát biểu sau bầu cử, bà Le Pen đã hứa hẹn “dốc toàn lực chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo trong cuộc bầu cử lập pháp có thể định hình số phận đất nước vào thời điểm quan trọng này”.
Trên thực tế, chính trị Pháp đang bị chia rẽ thành ba khối: khối thân EU của ông Macron, khối theo chủ nghĩa dân tộc của bà Le Pen và phe cánh tả của ông Jean-Luc Melenchon. Mỗi khối nhận được trên dưới 1/3 sự ủng hộ, và một chính phủ phải nhận 2/3 sự phản đối trong Quốc hội sẽ khó có thể vận hành trơn tru.
Thách thức càng lớn hơn khi ông Melenchon thậm chí đã tuyên bố tham vọng trở thành thủ tướng, một chức vụ mà từ đó ông có thể ngăn Tổng thống Macron thông qua các luật mà cánh tả không tán thành.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin