Người Pháp sắp bước vào thời khắc quan trọng để lựa chọn người lãnh đạo trong 5 năm tới. Đương kim Tổng thống Pháp Emmnanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đang thể hiện những nỗ lực cuối cùng để thuyết phục cử tri. Họ thể hiện sự đối lập gần như tuyệt đối trong các vấn đề nóng bỏng nhất.
“Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy ông Macron vẫn chiếm lợi thế nhỉnh hơn một chút. Vì vậy, kịch bản chiến thắng cho ông Macron có khả năng xảy ra cao nhất”, ông Giovanni Capoccia - giáo sư tại Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Oxford (Anh) - nói với Zing.
Reuters dẫn 3 cuộc khảo sát riêng biệt công bố hôm 21/4 sau cuộc tranh luận trên truyền hình cho thấy điểm số của ông Macron ổn định hoặc tăng nhẹ, đạt 55,5-57,5%.
Tuy nhiên, theo ông Capoccia, “chưa thể chắc chắn điều gì” và bà Le Pen vẫn nắm trong tay cơ hội chiến thắng.
Việc bà Le Pen có khả năng trở thành nhà lãnh đạo Pháp tiếp theo không chỉ là bước ngoặt ảnh hưởng tới tương lai nước này mà còn tác động tới khu vực. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử cũng cho thấy sự suy yếu của “Mặt trận Cộng hòa” trong việc ngăn phe cực hữu nắm quyền sau nhiều thập niên.
Các cuộc thăm dò ý kiến dự đoán viễn cảnh đạt kỷ lục bỏ phiếu trắng vào ngày 24/4 tới - sau một chiến dịch tranh cử thất bại và 5 năm hỗn loạn đánh dấu bởi biểu tình bạo lực và phong tỏa vì Covid-19.
Nhiều cử tri nói họ cảm thấy "bó tay khi phải chọn người bớt tệ nhất trong 2 người cùng tệ", trong khi sinh viên tụ tập ở trường đại học để phản đối kết quả vòng bầu cử đầu tiên.
Tương lai của Pháp và châu Âu sẽ ra sao?
New York Times nhận định tương lai của nền dân chủ ở Pháp và châu Âu đang được quyết định trong kết quả bầu cử cuối tuần này.
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng hai vào ngày 24/4 có thể mở ra kỷ nguyên chính trị và xã hội hoàn toàn mới, trong đó nền dân chủ phi tự do, được nhân cách hóa bởi bà Le Pen, giành được ưu thế ở một trong những nước thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu.
Trước đó, ngày 12/4, ứng viên Marine Le Pen có một cuộc họp báo tại thị trấn Vernon, tỉnh Eure, vùng Normandie, miền Tây nước Pháp. Khẩu hiệu được bà Le Pen đưa ra là "cách mạng trưng cầu dân ý sẽ được thực thi, hệ thống bầu cử và lập pháp của Pháp sẽ được đại tu" nếu bà đắc cử.
Các cuộc trưng cầu dân ý có thể dẫn đến việc thông qua luật mới, hủy bỏ hay sửa đổi luật hiện hành nếu có đủ số lượng chữ ký của cử tri.
Lời kêu gọi của bà Le Pen về các hình thức dân chủ trực tiếp hơn nhằm mục đích giải tỏa sự thất vọng của các cử tri Pháp - đối tượng xuống đường trong những năm gần đây để tổ chức các cuộc biểu tình như phong trào Áo Vàng.
Điều này được xem là một bước tiến so với ông Macron, người từ lâu phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng cách tiếp cận quản lý của ông bỏ qua ý chí của công chúng.
Ông Macron và bà Le Pen tranh luận trên truyền hình hôm 20/4. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định cải cách trưng cầu dân ý theo đề xuất bà Le Pen có thể xung đột với nguyên tắc của nền cộng hòa - khi mà quyền lực tối cao của nhà nước được thực hiện thông qua các cơ quan đại diện do cử tri bầu ra.
“Nếu bà Le Pen giành chiến thắng, có khả năng Pháp sẽ thực hiện các bước hướng tới mô hình ‘dân chủ phi tự do’. Điều đó đồng nghĩa với việc tổng thống tăng cường sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý để thực hiện cải cách hiến pháp, bỏ qua vai trò của Quốc hội, làm suy yếu ảnh hưởng của tư pháp và các cơ quan/tổ chức đại diện cho lợi ích của một nhóm người”, giáo sư Giovanni Capoccia nói với Zing.
Cuộc bầu cử cũng mang đến cho cử tri hai tầm nhìn đối lập về nước Pháp: Ông Macron đưa ra nền tảng tự do, thân Châu Âu, trong khi bản tuyên ngôn dân tộc chủ nghĩa của bà Le Pen xây dựng trên chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu sâu sắc.
“Về EU, ứng cử viên Le Pen cho thấy rõ rằng chính sách của bà ấy sẽ làm suy yếu đáng kể quá trình hội nhập, biến EU thành liên minh rời rạc”, ông Giovanni nói.
Trên thực tế, mặc dù bà Le Pen không còn muốn Pháp rời khỏi EU và khu vực đồng tiền chung (Eurozone) như năm 2017, bà kêu gọi cải tổ EU thành liên minh đa quốc gia dù chưa nói rõ được bản chất của khái niệm mới này gì.
Ứng cử viên cực hữu khẳng định luật lệ của mỗi quốc gia cần được xếp cao hơn luật lệ châu Âu, quan điểm mà theo góc nhìn của những người ủng hộ hội nhập châu Âu giống như “Frexit”.
Minh chứng rõ nhất là tuyên bố của bà Le Pen về việc sẽ giảm đóng góp của Pháp cho ngân sách EU xuống còn 5 tỷ euro nếu trúng cử.
Ngoài ra, bà muốn đàm phán lại các điều khoản trong Hiệp ước tự do đi lại chung Schengen, thiết lập lại việc kiểm soát đường biên giới với mục tiêu ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp và giải quyết vấn đề nhập cư.
“Đúng là có hai tầm nhìn về châu Âu nhưng không phải là ủng hộ hoặc chống đối, mà là về cách châu Âu được tổ chức”, bà nói. "Hành vi của EU trong những năm gần đây có lẽ là gốc rễ dẫn đến sự nghi ngờ ngày càng tăng của người Pháp về hiệu quả của EU".
Theo vị giáo sư tại Đại học Oxford, bà Le Pen cũng không giấu giếm việc ủng hộ thành lập liên minh với Nga trước khi giao tranh ở Ukraine diễn ra.
“Trong trung hạn, bà ấy sẽ đưa nước Pháp đến gần Điện Kremlin và xa rời các đồng minh truyền thống của Pháp kể từ năm 1945 là Mỹ và Đức", ông nói.
"Mặt trận Cộng hòa" suy yếu?
Aurélien Taché - nhà lập pháp từng là đồng minh với ông Macron - cho biết tổng thống đắc cử năm 2017 nhờ những cử tri đã gạt bỏ khác biệt chính trị sang một bên và đoàn kết chống lại bà Le Pen.
Cử tri Pháp lần đầu tiên hình thành "bờ đê" (dams) chống lại ứng cử viên cực hữu là vào năm 2002, khi cha bà Le Pen, Jean-Marie Le Pen, gây chấn động bằng tuyên bố đấu với tổng thống lúc đó là Jacques Chirac. Một "con đê" khác đánh bại bà Le Pen vào năm 2017.
"Dams" là từ ám chỉ cử tri chính thống Pháp. Đây là đối tượng hết lần này đến lần khác gạt bỏ những khác biệt chính trị sang một bên trong vòng hai và bỏ phiếu cho bất kỳ ai để từ chối một tổng thống cực hữu.
Theo ông Capoccia, tính đoàn kết của “Mặt trận Cộng hòa” đã suy giảm so với năm 2002, thậm chí là cả năm 2017, khi ông Macron dễ dàng giành chiến thắng trước bà Le Pen. Có một vài ý kiến cho rằng chính cách tiếp cận trong chính sách của ông Macron là điều khiến cử tri không còn mặn mà.
Năm năm trước, ông Macron được đánh giá là ứng cử viên trung tả. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã chuyển hướng sang phía cánh hữu khi cho rằng thách thức chính của mình sẽ đến từ bà Le Pen.
Sự thay đổi đó được thể hiện bằng một loạt luật nhằm tăng cường lập trường của Pháp về nhập cư, trao quyền cho cảnh sát và chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Nhiều người Pháp cũng cảm thấy các chính sách kinh tế của ông ưu ái người giàu một cách bất công và khiến họ sống xa hoa hơn.
Tuy nhiên, giáo sư Capoccia cho rằng “yếu tố” Macron trong vấn đề này chỉ đóng một vai trò hạn chế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trò chuyện cùng nhà báo hôm 21/4. Ảnh: Reuters. |
Ông nhận định tình hình tại Pháp hiện tại khá giống với đợt bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi ông Donald Trump của đảng Cộng hòa trúng cử. Ông nói rằng Pháp hiện chứng kiến một số vấn đề trong xã hội, mặc dù mức độ chưa mạnh bằng Mỹ.
Việc phi công nghiệp hóa (sự giảm sút liên tục tỷ trọng sản lượng và lực lượng lao động của ngành công nghiệp - PV) và giảm sự chú trọng đầu tư vào các dịch vụ công đã gây ra tình trạng bất ổn ở khu vực nông thôn, đặc biệt là trong tầng lớp lao động, ông nhận định.
Các vấn đề về chủng tộc và tôn giáo cũng trở nên quan trọng hơn trong mắt cử tri Pháp.
“Những yếu tố này xác định phần lớn kết quả của những tháng đầu tiên trong chiến dịch bầu cử”, ông nhận định.
Do đó, việc đối mặt với nhiều vấn đề xã hội khiến người Pháp có xu hướng ít đi vận động chống lại tư tưởng cực hữu hơn trước đây. Hầu hết trong số những người từng “xây đê” chống lại tư tưởng cực hữu sẽ có xu hướng bỏ phiếu trắng, theo giáo sư từ Đại học Oxford.
1/4 cử tri Pháp đã bỏ phiếu trắng trong vòng đầu tiên diễn ra hôm 10/4, con số cao nhất kể từ năm 2002. Giới quan sát dự đoán số lượng cử tri bỏ phiếu trắng sẽ còn cao hơn nữa, đặc biệt là khi đợt bầu cử lần này bị lu mờ bởi cuộc chiến ở Ukraine.
Khảo sát do Reuters trích dẫn cho thấy ước tính tỷ lệ cử tri đi bầu vào khoảng 72-74%, mức thấp nhất kể từ năm 1969.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin