Thế giới

Ảnh hưởng của việc mở rộng NATO đến diễn biến cuộc chiến ở Ukraine

10:42, 23/05/2022
Việc mở rộng NATO có nguy cơ khiến cuộc chiến ở Ukraine leo thang, lan rộng và kéo dài. Điều này cũng làm tăng nguy cơ xung đột hạt nhân, sự kiện dễ biến thành một thảm họa khủng khiếp trên toàn cầu.

Thay đổi bản đồ an ninh châu Âu

Sau gần 3 tháng thảo luận trong nước, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi tình hình địa chính trị châu Âu và thế giới. Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ đem đến sự thay đổi về bản đồ an ninh của châu lục khi tăng gấp đôi biên giới giữa Nga và NATO.

Ngoài ra việc đảo Gotland của Thụy Điển nằm giữa Biển Baltic cũng sẽ đem đến lợi thế chiến lược cho NATO. Khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Biển Baltic, cửa ngõ của Nga vào Biển Bắc và Đại Tây Dương sẽ bị bao quanh bởi các thành viên NATO gồm Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển. 

Xe quân sự Nga phóng rocket gần khu vực nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Ảnh: Reuters
Xe quân sự Nga phóng rocket gần khu vực nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Ảnh: Reuters

Trong nỗ lực gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ lịch sử trung lập trong một thời gian dài của mình, khi mà ưu tiên về chính sách đối ngoại và an ninh là tránh khỏi sự đối đầu giữa các siêu cường trong Chiến tranh Lạnh và duy trì quan hệ hòa hợp với cả 2 bên.

Mặc dù cuộc tranh luận về việc gia nhập NATO ở 2 quốc gia này đã diễn ra trong gần 3 thập kỷ nhưng hầu như có rất ít sự nhất trí ở 2 quốc gia này, đặc biệt là ở Thụy Điển về việc trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây này.

"Ngày 24/2 đã thay đổi mọi thứ", cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nhận định vào tháng trước trong chuyến thăm New Delhi, Ấn Độ.

Nếu như một trong những lý do Tổng thống Putin tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine là do sự mở rộng về phía Đông của NATO thì tình hình hiện tại đang diễn ra điều ngược lại. Nếu được công nhận, Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành thành viên thứ 31 và 32 của NATO. Liên minh này có 12 thành viên sáng lập năm 1929.

Hồi tháng 3, khả năng 2 quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO đã dẫn đến cảnh báo từ Nga rằng Moscow sẽ đưa ra phản ứng đáp trả bằng cách đặt các vũ khí siêu thanh và vũ khí hạt nhân gần Biển Baltic. Tuy nhiên, trong những phát biểu gần đây nhất sau khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức thông báo về quyết định gia nhập NATO, Tổng thống Putin đã nhận định rằng: "Nga không có vấn đề gì với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO bởi điều này không gây ra mối đe dọa trực tiếp với chúng tôi. Tuy nhiên, sự mở rộng của các cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ những nước này chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng của chúng tôi".

Thụy Điển khẳng định nước này sẽ không cho phép NATO đặt căn cứ hay vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Trong khi đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nhận định với tờ Corriere della Sera của Italy ngày 19/5 rằng nước này phản đối việc NATO triển khai vũ khí hạt nhân hay lập các căn cứ quân sự ở Phần Lan nếu nước này gia nhập liên minh.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện