Thế giới

 Động thái nguy hiểm của Đức có thể khiến chiến tranh Nga-Ukraine vượt vòng kiểm soát

07:33, 12/05/2022
Đức nổi tiếng về mức độ ôn hòa trước các hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Nhiều người tin rằng việc Đức phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga sẽ khiến Đức khó cứng rắn với Nga. Nhưng Đức đã có động thái chưa từng có tiền lệ là viện trợ pháo hạng nặng cho Ukraine.

Viện trợ lựu pháo sát thủ - động thái chưa có tiền lệ từ phía Đức

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht mới đây đã thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine 7 khẩu lựu pháo tự hành Panzerhaubitzen 2000.

Pháo Panzerhaubitzen 2000 là loại xe có bánh xích chở đại bác có thể bắn xa tới 40km. Đây là một trong các loại trọng pháo uy lực nhất trong kho vũ khí quân đội Đức.

Lựu pháo tự hành Panzerhaubitzen 2000. Ảnh: Bundeswehr.
Lựu pháo tự hành Panzerhaubitzen 2000. Ảnh: Bundeswehr.

Hầu hết các vũ khí hạng nặng mà các nước NATO vừa gửi tới Ukraine là các vũ khí do Liên Xô chế tạo và vẫn còn trong kho vũ khí của các nước Đông Âu đang là thành viên của NATO. Mỹ và một số đồng minh mới khởi động cung cấp cho Ukraine các lựu pháo phương Tây.

Tờ báo Đức Bild cho hay, các cỗ pháo trên sẽ trong trạng thái sẵn sàng vào cuối tháng 6/2022.

Bộ Quốc phòng Đức chưa đưa ra khung thời gian bàn giao lô lựu pháo nói trên. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ bàn giao pháo sau khi được bảo dưỡng trong thời gian tới.

Trước đó Hà Lan cũng cam kết viện trợ 5 hệ thống pháo cho Ukraine.

Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Lambrecht, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren tuyên bố: “Chúng ta phải đối đầu với sự xâm lấn của Nga, chúng ta phải ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến này”.

Bộ trưởng Ollongren cho hay, Ukraine mong muốn có 12 khẩu lựu pháo và khóa huấn luyện cấp tốc để có thể nhanh chóng triển khai số vũ khí này trên chiến trường.

Phát biểu trên được bà Ollongren đưa ra tại căn cứ không quân Sliac, nơi Đức và Hà Lan đã thiết lập các tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Ukraine tăng cường xin viện trợ lựu pháo kể từ sau khi Moscow quyết định rút quân khỏi thủ đô Kiev.

Cung cấp cả đạn pháo và tập huấn sử dụng pháo

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Lambrecht, Đức sẽ chỉ gửi lựu pháo cho Ukraine một khi các binh sĩ Ukraine đã biết cách sử dụng chúng. Bà nói, Đức huấn luyện binh sĩ quốc gia Đông Âu này cách sử dụng trọng pháo hạng nặng này.

Đức sẽ phối hợp với Hà Lan trong việc huấn luyện khoảng 20 binh sĩ Ukraine, trong đó có những người đã có kinh nghiệp về pháo, tại bang Rhineland-Palatinate nằm ở miền Tây nước Đức, theo chương trình tin tức Tagesschau của Đức.

Ngoài ra, Berlin cũng sẽ cung cấp lô đạn ban đầu cho các khẩu lựu pháo do công ty quốc phòng Đức KMW chế tạo. Việc cung cấp số đạn kế tiếp sẽ được dàn xếp giữa Kiev và công ty này.

Thay đổi đột ngột trong chính sách của Đức

Bộ trưởng Quốc phòng Lambrecht trước đó từng nhất quyết cho rằng Đức không nên bỏ đi các loại vũ khí hạng nặng mà quân đội nước này cần. Theo Bild, Đức chỉ có hơn 100 khẩu lựu pháo loại trên và trong đó chỉ còn hơn 40 khẩu là sẵn sàng triển khai.

Việc Đức viện trợ lựu pháo cho Ukraine đánh dấu một thay đổi nữa trong chính sách của Đức đối với việc vũ trang cho Ukraine.

Lô hàng vũ khí nóng nói trên là dấu hiệu cho thấy Berlin đang chú ý đến áp lực trong và ngoài nước đòi hỏi Đức phải giúp đỡ Ukraine đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.

Chính quyền Đức thời Thủ tướng Olaf Scholz đã liên tục bị chỉ trích, đặc biệt là từ phía Kiev, vì đã không hành động ở mức cần thiết để ủng hộ Ukraine trước chiến dịch quân sự của Nga.

Sự thay đổi 180 độ này đi ngược lại truyền thống của Berlin không gửi vũ khí hạng nặng sang các bên trong xung đột quân sự. Theo chính sách bấy lâu nay của Đức, nước này sẽ không gửi vũ khí tới các nơi xảy ra xung đột. Thậm chí cho tới gần đây, Đức vẫn ngần ngại gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Đức quyết định cung cấp lựu pháo sau khi có một cuộc tranh cãi kịch liệt kéo dài trong nội bộ. Cuối cùng quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo rằng “không được phép để xảy ra chiến tranh hạt nhân”. Theo ông Scholz, khi ông Putin ở bên kia chiến tuyến thì không thể biết “vào lúc nào Đức sẽ bị coi là bên thù địch”.

Nhưng ông Scholz đã dần thay đổi quan điểm.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện