Theo Nikkei Asian Review, các nhà máy lọc dầu gần thành phố cảng Sikka (miền tây Ấn Độ) đã bị phương Tây nhắm đến vì nghi ngờ trở thành nơi "rửa nguồn" cho dầu của Nga. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của gã khổng lồ dầu khí Reliance Industries và những công ty khác của Ấn Độ.
Các quan chức Mỹ tin rằng dầu thô Nga được lọc tại Ấn Độ rồi xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Quá trình này nhằm lách những biện pháp trừng phạt áp lên chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc chiến ở Ukraine.
Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ rơi vào tầm ngắm của giới chức Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Lượng dầu nhập khẩu tăng đột biến
Trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 9/6, ông Amos Hochstein - cố vấn an ninh năng lượng cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ - cho biết đã khuyên các quan chức Ấn Độ hạn chế mua dầu của Nga.
"Tôi chỉ nói 2 điều. Thứ nhất, đừng đi quá xa. Đừng hành xử như thể các vị đang hưởng lợi từ những gì mà các hộ gia đình tại Mỹ và châu Âu phải gánh chịu", ông nói.
"Thứ 2, hãy tìm cách thương lượng. Bởi nếu các vị không mua dầu của Nga, họ cũng không còn khách hàng", vị quan chức nói thêm.
Rất khó để xác định nguồn gốc của dầu thô sau khi đã được xử lý. Tuy nhiên, những con số có thể nói lên nhiều điều.
Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, lượng dầu thô được giao từ Nga sang Ấn Độ tăng đột biến. Ảnh: Reuters. |
Theo công ty nghiên cứu Refinitiv, gần 24 triệu thùng dầu thô của Nga đã được giao đến Ấn Độ trong tháng 5, gấp hơn 8 lần con số một năm trước đó. Sang tháng 6, lượng dầu nhập khẩu vẫn cao hơn ngưỡng 20 triệu thùng.
Ấn Độ đã đẩy mạnh nhập khẩu dầu Nga sau khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine và bị phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt. Chỉ tính riêng tháng 5, doanh số dầu Nga bán sang Ấn Độ đạt gần 1,9 tỷ USD. New Delhi trở thành nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin.
Theo các ước tính, khoảng 26 triệu thùng dầu của Nga đã đến cảng Sikka chỉ trong quý II, gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Dầu nhập khẩu từ Nga cũng chiếm 20% tổng lượng dầu được giao tới Sikka qua đường biển.
Tại Ấn Độ, dầu thô được xử lý thành các mặt hàng xuất khẩu như xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu máy bay. Từ tháng 4 đến tháng 6, cảng Sikka đã xuất khẩu tổng cộng 75 triệu thùng sản phẩm từ dầu. Trong đó, 20% được bán sang Mỹ và châu Âu.
Khó xác định nguồn gốc
"Dầu và các bồn trữ dầu không được phân loại theo nguồn gốc. Do đó, gần như không thể xác định chính xác nguồn gốc của dầu thô", nhân viên tại một công ty dầu của Nhật Bản tiết lộ.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã bác bỏ cáo buộc. "Tôi thậm chí chưa từng nghe một ai ở Ấn Độ có ý nghĩ mua dầu của Nga và bán sang các nước khác", ông nhấn mạnh tại Diễn đàn GLOBSEC 2022 ở Bratislava hôm 3/6.
Dầu thô Urals của Nga rẻ hơn 30-40 USD/thùng so với dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu. Trong khi đó, Ấn Độ đang tìm cách đối phó với thâm hụt thương mại.
Dầu và các bồn trữ dầu không được phân loại theo nguồn gốc. Do đó, gần như không thể xác định chính xác nguồn gốc của dầu thô
-----Nhân viên tại một công ty dầu của Nhật Bản----
Theo Reuters, trong tháng 5, nhập khẩu dầu Nga của Trung Quốc cũng tăng 55% so với một năm trước đó. Nước này tăng cường mua dầu Nga để phục vụ thị trường nội địa rộng lớn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 1,7 tỷ USD trong tháng 5 lên 20 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình năm 2021 là 15 tỷ USD, bất chấp các lệnh trừng phạt áp lên ngành công nghiệp năng lượng của đất nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh đang thảo luận về việc áp mức giá trần đối với dầu từ Nga.
Ý tưởng này cho phép Nga bán dầu cho các thị trường không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, nhất là những nước có thu nhập trung bình và thấp - nhằm hạ nhiệt giá dầu toàn cầu. Nhưng với mức giá trần, doanh thu từ dầu của Nga cũng sẽ bị hạn chế.
Liên minh châu Âu cũng đã nhất trí với lệnh cấm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga vào cuối năm. Tuy nhiên, Mỹ lo ngại rằng lệnh cấm sẽ đẩy giá dầu thô lên cao hơn, giúp Nga tiếp tục thu lời từ cuộc chiến ở Ukraine, trong khi tạo thêm áp lực lạm phát cho các nền kinh tế châu Âu và Mỹ.
Trên thực tế, Mỹ cũng có thể trừng phạt các quốc gia tiếp tục làm ăn với Nga. Nhưng điều đó có thể làm chao đảo thị trường dầu, vốn đã chịu ảnh hưởng từ tình trạng mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng.
Theo ông Darwei Kung - Giám đốc Danh mục hàng hóa tại DWS, nếu Trung Quốc và Ấn Độ không thể mua dầu thô từ Nga, giá dầu thế giới có thể vọt lên 200 USD/thùng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin