Nhân dịp này, 100 di tích tại Ấn Độ, bao gồm các di sản thế giới được UNESCO công nhận, mang biểu tượng G20 sẽ được thắp sáng trong bảy ngày từ ngày 1-7/12.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay (1/12) cho biết, Ấn Độ sẽ nỗ lực thúc đẩy các mục tiêu thống nhất toàn cầu và định hình các ưu tiên không chỉ với sự tham vấn của các đối tác G20 mà còn với các quốc gia khác. Ông nhấn mạnh, các bên cần nỗ lực hành động để giải quyết những thách thức to lớn hiện nay như vấn đề biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố và đại dịch Covid-19.
Tổng thống Indonesia trao quyền Chủ tịch G20 cho Ấn Độ. Ảnh: PTI. |
"Chương trình nghị sự G20 của Ấn Độ sẽ mang tính toàn diện, tham vọng, quyết đoán và định hướng hành động. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác để xây dựng một nhiệm kỳ Chủ tịch G20 mang tính hàn gắn, hòa hợp và hy vọng. Chúng ta cùng hợp tác để định hình một mô hình mới - toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm", Thủ tướng Modi cho biết.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ sẽ tổ chức khoảng 200 cuộc họp trên khắp cả nước và trong 32 lĩnh vực khác nhau. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Ấn Độ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại thủ đô New Delhi trong hai ngày, từ ngày 9-10/9/2023.
Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ được đánh dấu bằng một số hoạt động lấy người dân làm trung tâm, thông qua tinh thần tham gia của quần chúng (tinh thần "Jan Bhagidari").
Trong khi đó, chủ đề cho nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ là “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai”, tập trung đưa ra cách tiếp cận thống nhất cho toàn cầu để cùng giải quyết tương lai. Phát biểu tại Phiên bế mạc của Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 17 tại Bali, Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ sẽ đưa ra những kinh nghiệm, bài học và mô hình của nước này như những hình mẫu khả thi cho các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Các vấn đề được đưa ra thảo luận tại các Hội nghị trong khuôn khổ G20 với trọng tâm củng cố sự đoàn kết, chống khủng bố, khởi nghiệp, biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và một số vấn đề quan trọng khác.
Nhóm G20 được thành lập vào năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á với vai trò là một diễn đàn để các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương thảo luận về các vấn đề kinh tế và tài chính toàn cầu. Nhóm bao gồm 19 quốc gia thành viên, chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu, hơn 75% kim ngạch thương mại thế giới và khoảng 2/3 dân số toàn cầu hiện nay./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin