Phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar, nước chủ nhà của G20 năm 2023 cho biết những khác biệt không thể hòa giải giữa các thành viên của khối về vấn đề Ukraine khiến Hội nghị Ngoại trưởng G20 không thể ra được một tuyên bố chung. Thay vào đó, nước chủ nhà Ấn Độ chỉ công bố Tài liệu Kết quả. Tuy nhiên, Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm 2023 vẫn phản ánh những quan ngại của các quốc gia phát triển.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 sáng 2/3 tại thủ đô New Delhi. Ảnh: ANI |
Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nói: “Nếu chúng tôi có sự thống nhất hoàn hảo về tất cả các vấn đề và chúng ta nắm bắt đầy đủ những điều đó, thì đó sẽ là tuyên bố chung. Nhưng đã tồn tại những vấn đề có sự khác biệt... Có những khác biệt về vấn đề Ukraine mà chúng tôi không thể hòa giải. Và cũng đã có những sự thống nhất đáng kể được chúng tôi chuyển tải qua Tài liệu Kết quả. Nếu chúng ta đạt được sự thống nhất hoàn hảo về tất cả các vấn đề và có thể tóm lược đầy đủ thì hiển nhiên chúng ta đã có một tuyên bố chung”.
Theo Ngoại trưởng Ấn Độ, Bản Tóm tắt của Chủ tịch G20 đã nêu ra các quan ngại của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, có hai đoạn văn bản đã không thể đạt được đồng thuận chung. Đó là hai đoạn văn bản thứ hai và thứ ba, được trích ra từ Tuyên bố Bali của các nhà lãnh đạo G20 vào năm 2022. Hai nội dung này không được Nga và Trung Quốc ủng hộ.
Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar tại buổi họp báo kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng G20. Ảnh: ANI |
Trả lời câu hỏi về tác động của cuộc xung đột tại Ukraine tới toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và điều này đã được phản ánh như thế nào qua Hội nghị G20, ông Jaishankar cho biết cuộc xung đột này đã gây ra nhiều vấn đề về giá nhiên liệu, giá lương thực, và giá phân bón… Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại suốt 1 năm qua với chính ngôn ngữ của thế giới đang phát triển.
“Bạn có thể nhìn thấy một số quốc gia đang vật lộn trong nợ nần. Họ từng bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. Với họ, tác động dây chuyền của cuộc xung đột này đứng ở hàng đầu. Đây là vấn đề khiến chúng tôi quan ngại rất sâu sắc. Đó là lý do vì sao chúng tôi tập trung vào các quan ngại của các nước phương Nam trong hội nghị này. Chúng tôi cảm thấy đây là các quốc gia bị tổn thương nhiều nhất. Sẽ không đáng tin khi nói về tương lai của nền kinh tế toàn cầu và trật tự đa phương nếu chúng ta không thể thực sự giải quyết và tập trung vào các vấn đề của những người đang cần được quan tâm nhất”, ông Jaishankar nói.
Trước đó, phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng G20 sáng 2/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng chủ nghĩa đa phương ngày nay đang rơi vào khủng hoảng. Thế giới đã thất bại khi ngăn chặn các cuộc chiến tranh tương lai và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Thứ hai, nhân loại cần phải quan tâm tới tiếng nói của các nước phương Nam. Rất nhiều quốc gia đang chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế xã hội, thụt lùi trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng Ấn Độ cho rằng các ngoại trưởng G20 cần nhớ họ phải có trách nhiệm với những người không được tham gia vào cuộc họp này. Bởi các vấn đề họ thảo luận tác động tới thế giới, nhưng cuộc họp lại bị chi phối bởi các căng thẳng địa chính trị. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nhắc lại những thách thức mà các nước tham gia G20 phải giải quyết. Đó là hậu quả của đại dịch Covid-19, thiệt hại về người do thảm họa tự nhiên, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng toàn cầu, khủng hoảng tài chính và nợ.
Hội nghị Ngoại trưởng G20 vừa diễn ra tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ được coi là hội nghị quy mô nhất của khối này từ trước tới nay. Diễn ra trong 2 ngày 1 – 2/3, cuộc họp có đại diện của 20 nước thành viên cùng 9 ngoại trưởng của các quốc gia khách mời. Đây là hội nghị quan trọng, chuẩn bị nội dung cho cuộc họp thượng đỉnh của khối diễn ra vào tháng 9 tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin