Thế giới

Mỹ ngừng trao đổi dữ liệu hạt nhân với Nga

08:49, 29/03/2023
Hôm 28/3, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ ngừng trao đổi dữ liệu về lực lượng hạt nhân theo hiệp ước New SATRT sau khi Nga từ chối làm điều tương tự.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Theo luật pháp quốc tế, Mỹ có quyền đáp trả những hành vi vi phạm hiệp ước New START của Nga bằng cách thực hiện biện pháp đối phó tương xứng. Việc Nga tuyên bố đình chỉ hiệp ước New START là không hợp lệ về mặt pháp lý, nên Mỹ được phép giữ lại bản cập nhật dữ liệu 2 năm một lần của chúng tôi để đáp trả các vi phạm của Nga".

"Nga không tuân thủ đầy đủ hiệp ước, từ chối chia sẻ dữ liệu sáu tháng một lần. Vì Nga từ chối tuân thủ... nên chúng tôi cũng quyết định không chia sẻ dữ liệu đó", ông John Kirby nói thêm. 

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. (Ảnh: AP)
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "ngoài việc ngừng trao đổi dữ liệu sáu tháng một lần, Mỹ tiếp tục cung cấp tất cả các thông báo cần thiết theo hiệp ước New START".

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New START hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai.

Trong thông điệp liên bang hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ tham gia New START. Ông nhấn mạnh, trước khi nối lại các cuộc thảo luận về công việc tiếp theo trong khuôn khổ hiệp ước, Nga muốn làm rõ kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc NATO khác như Anh và Pháp.

Mới đây, Nga nêu điều kiện tiếp tục hiệp ước New START. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ không tiếp tục tham gia hiệp ước New START với Mỹ cho đến khi Washington lắng nghe quan điểm của Moskva.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết quyết định này có thể được đảo ngược nếu Mỹ nỗ lực nối lại hoạt động đầy đủ của hiệp ước. Ngoài ra, Nga sẽ tiếp tục cam kết thực hiện các hạn chế đối với vũ khí tấn công chiến lược theo hiệp ước khi New START vẫn còn hiệu lực.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moskva sẽ tiếp tục trao đổi thông báo với Washington về các vụ phóng ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) và SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) trên cơ sở thỏa thuận tương ứng giữa Liên Xô và Mỹ năm 1988.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện