Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại thủ đô Seoul, ngày 7/5/2023. Ảnh: AP |
Chuyến thăm Seoul 2 ngày của Thủ tướng Kishida là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Hàn Quốc trong hơn một thập kỷ. Ngay sau khi đến nơi, ông Kishida đã đến Nghĩa trang Quốc gia của Seoul - nơi chôn cất các cựu chiến binh, bao gồm cả những người từng tham gia cuộc chiến chống lại sự cai trị của thực dân Nhật Bản - để đặt hoa và tỏ lòng thành kính.
Cuối ngày, Thủ tướng Kishida sẽ có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol - nhà lãnh đạo xem thiết lập lại quan hệ với Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền của ông. Quan hệ song phương đã thực sự ấm lên đáng kể sau quyết định hồi tháng 3 năm nay của Chính phủ Seoul về kế hoạch bồi thường cho những nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động tại các công ty Nhật Bản trong Thế chiến II.
Cuối tháng đó, ông Yoon đã đến Tokyo, trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên sau 12 năm tham gia hội nghị thượng đỉnh song phương tại Nhật Bản. Vào thời điểm đó, hai nhà lãnh đạo đã công bố kế hoạch nối lại việc chia sẻ thông tin tình báo quân sự, và đưa các quốc gia của nhau trở lại danh sách các đối tác thương mại được ưu tiên.
Kể từ đó, các quan chức an ninh và thương mại của hai bên đã tổ chức các cuộc họp để vạch ra các kế hoạch thúc đẩy hợp tác. Trả lời Nikkei Asia, Bộ trưởng kinh tế và tài chính Hàn Quốc Choo Kyung Ho nói rằng năng lượng là một lĩnh vực khác mà các nước láng giềng có thể hợp tác vì lợi ích chung.
"Đối với LNG, hai nước hiện nằm trong số những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới" - ông Choo cho biết - "Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác thông qua đàm phán giá và hợp đồng mua chung, đồng thời cùng nhau ứng phó với tình trạng cung cầu không ổn định".
Hơn hết, người Hàn Quốc được tin sẽ đặc biệt theo dõi bất kỳ cuộc thảo luận nào về chủ đề lao động cưỡng bức - vốn đã phá vỡ mối quan hệ hai quốc gia vào năm 2018. Năm đó, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra lệnh cho các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời chiến, khiến Tokyo nổi giận và kích hoạt một loạt biện pháp kinh tế leo thang.
Trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 3 tại Tokyo, Thủ tướng Kishida tái khẳng định việc Chính phủ Nhật Bản kế thừa toàn bộ nhận thức lịch sử của các chính phủ tiền nhiệm, bao gồm tuyên bố chung năm 1998 được cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung và cựu Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi thông qua.
Tuyên bố năm 1998 kêu gọi hai nước vượt qua quá khứ và xây dựng các mối quan hệ mới, trong đó ông Obuchi bày tỏ sự hối hận về "những thiệt hại và nỗi đau khủng khiếp" mà chế độ thực dân Nhật Bản đã gây ra cho người dân nước này trong những năm 1910-1945.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hội nghị thượng đỉnh Seoul khó có thể đưa ra một tuyên bố chung, mặc dù quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong các cuộc đàm phán và các nhà lãnh đạo sẽ công bố kết quả của hội nghị thượng đỉnh tại một cuộc họp báo chung.
Vào thứ Hai (8/5), trước khi khởi hành để trở về Tokyo, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ tổ chức họp với các thành viên của Hiệp hội nghị sĩ Hàn Quốc - Nhật Bản và những người đứng đầu 6 hành lang kinh doanh của Hàn Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae Won - người hiện đang đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin