Chiến dịch phản kích quân Nga bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái của Ukraine đã không đạt kết quả như kỳ vọng, dù phương Tây đã gửi thêm viện trợ và các vũ khí tấn công tầm xa hơn cho Kiev. Theo hãng tin Aljazeera, quân Nga đã có nhiều tháng để chuẩn bị hệ thống phòng thủ vững chắc, ngăn chặn hiệu quả binh lính Ukraine. Những nỗ lực phản công sa lầy được tin đã khiến Kiev tiêu hao đáng kể các nguồn lực.
Binh sĩ thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 59 của Ukraine bên cạnh hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 Grad gần tiền tuyến Donetsk. Ảnh: Reuters |
Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ 3, Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 59 của Ukraine đang phải đối mặt với một thực tế ảm đạm là sắp cạn kiệt đạn dược và binh lính. Một chỉ huy trung đội có biệt hiệu "Tygr" ước tính, chỉ 60 - 70% trong số vài nghìn binh sĩ trong lữ đoàn ở giai đoạn đầu xung đột vẫn đang phục vụ. Số còn lại đã thiệt mạng, bị thương hoặc giải ngũ vì những lí do như tuổi tác hoặc bệnh tật.
Thương vong nặng nề trước quân Nga cộng thêm điều kiện khắc nghiệt ở khu vực tiền tuyến phía đông, khi đất đóng băng biến thành bùn đặc quánh trong nhiệt độ ấm áp trái mùa, đã tàn phá sức khỏe của binh lính.
“Trời mưa, tuyết, rồi lại mưa, tuyết. Ai nấy đều mắc bệnh cúm thông thường hoặc bị đau thắt ngực. Họ phải nghỉ chiến đấu một thời gian và không có ai thay thế họ. Vấn đề cấp thiết nhất ở mỗi đơn vị là thiếu người”, một đại đội trưởng trong lữ đoàn với biệt hiệu "Limuzyn” bộc bạch.
Tình thế khó khăn của Ukraine
Các phóng viên Reuters đã trò chuyện với hơn 20 binh sĩ và chỉ huy các đơn vị bộ binh, máy bay không người lái (UAV) và pháo binh Ukraine tại những khu vực tiền tuyến khác nhau, dài 1.000km ở miền đông và miền nam đất nước. Mặc dù vẫn có động cơ chống lại Nga, nhưng các quân nhân này đã đề cập đến những thách thức trong việc cầm chân đối phương đông đảo hơn và được trang bị tốt hơn, trong khi đó sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây cho Kiev đã chậm lại bất chấp những lời cầu cứu nhiều hơn từ Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Một chỉ huy tự nhận là Hryhoriy của Lữ đoàn số 59 đã mô tả các vụ tấn công không ngừng nghỉ từ các nhóm gồm 5 - 7 binh sĩ Nga, tới 10 lần mỗi ngày là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đơn vị của ông, khiến binh sĩ kiệt quệ.
Theo tạp chí Financial Times, trong một lá thư gửi EU gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov tiết lộ, "nhu cầu tối thiểu hàng ngày" trong xung đột của quân Kiev là 6.000 quả đạn pháo, nhưng lực lượng của ông chỉ có thể bắn 2.000 quả mỗi ngày do không đủ nguồn cung.
Tình trạng thiếu hụt đạn pháo còn do các nước phương Tây không thể theo kịp tốc độ cung ứng cho các cuộc giao tranh kéo dài. Ngoài việc Mỹ tạm dừng nguồn cung, Liên minh châu Âu (EU) cũng thừa nhận sẽ không thể đạt mục tiêu chuyển giao một triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong năm nay, và số lượng chậm cung ứng tính tới tháng 3 năm nay lên tới gần một nửa.
Kiev phụ thuộc rất lớn vào tiền bạc và trang thiết bị viện trợ của nước ngoài để đương đầu với các lực lượng Moscow. Tuy nhiên, khi gói viện trợ bổ sung, trị giá 61 tỷ USD của Mỹ bị trì hoãn vì tranh cãi chính trị ở Washington, Ukraine có vẻ đang ở tình thế nguy hiểm hơn bao giờ hết kể từ đầu cuộc xung đột.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Havryliuk tiết lộ với Reuters rằng, quân đội nước này đã buộc phải chuyển sang thế phòng thủ do thiếu đạn pháo và tên lửa.
Lính Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ảnh: Reuters |
Ưu thế của Nga
Giới quan sát đánh giá, tròn 2 năm kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đang ở thế thượng phong trong một cuộc xung đột kết hợp chiến đấu tiêu hao trên chiến hào cùng sự xuất hiện của hàng chục nghìn UAV trên bầu trời.
Quân Nga đã đạt được các bước tiến nhỏ trong những tháng gần đây và tuyên bố giành chiến thắng lớn vào cuối tuần trước khi thâu tóm quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược Avdiivka ở vùng miền đông đang tranh chấp ác liệt Donetsk. Phát ngôn viên cho Lữ đoàn xung kích số 3 của Ukraine, một trong những đơn vị đã cố gắng bảo vệ thành phố, xác nhận quân số đối phương đông gấp 7 lần họ.
Michael Kofman, một thành viên cấp cao và là chuyên gia về quân sự Nga tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Washington, Mỹ) ước tính, các lực lượng Moscow đang bắn đạn pháo với số lượng nhiều gấp 5 lần so với quân Kiev, tương tự số liệu đánh giá do chỉ huy Hryhoriy của Ukraine đưa ra.
Moscow hiện kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crưm đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Các quan chức Ukraine cho biết lực lượng vũ trang của họ có khoảng 800.000 quân. Một đạo luật mới nhằm huy động thêm 450.000 - 500.000 người Ukraine nhập ngũ sắp được Quốc hội nước này thông qua, nhưng đối với một số binh sĩ đang tham gia chiến đấu việc tăng viện đáng kể dường như là hy vọng xa vời.
Ngược lại, cuối năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tăng số quân Nga thêm 170.000 người, lên 1,3 triệu binh sĩ. Ngoài nhân sự, chi tiêu quốc phòng của Nga cũng vượt trội so với Ukraine. Moscow đã dành 109 tỷ USD cho lĩnh vực này năm 2024, gấp hơn 2 lần kế hoạch chi tiêu của Ukraine là 43,8 tỷ USD.
Đọ sức bằng UAV quy mô lớn
Trong xung đột Nga – Ukraine, máy bay chiến đấu thông thường tương đối hiếm xuất hiện trên tiền tuyến, chủ yếu vì lực lượng phòng không đóng vai trò răn đe. Tuy nhiên, một cuộc giao tranh đang nổ ra trên bầu trời với quy mô đáng kinh ngạc, khi cả hai bên đều cố gắng chiếm thế thượng phong về công nghệ UAV, những cỗ máy được sản xuất với chi phí rẻ nhưng có thể giám sát chuyển động của đối phương, thu thập thông tin tình báo, thả bom với độ chính xác cao cũng như xâm nhập, tấn công sâu vào lãnh địa của phe đối địch.
Ukraine đã chứng kiến sự bùng nổ trong sản xuất và đổi mới UAV, đồng thời đang phát triển các cỗ máy tầm xa, tiên tiến hơn. Bộ trưởng Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov nói với Reuters rằng, chỉ tính riêng năm ngoái, các nhà sản xuất của nước này đã xuất xưởng hơn 300.000 UAV theo đặt hàng và hơn 100.000 chiếc đã được gửi ra tiền tuyến, chưa kể số UAV được tặng.
Trọng tâm hiện nay là các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) nhẹ và linh hoạt, trong đó những người điều khiển có thể quan sát thực địa trực tiếp từ xa nhờ camera gắn trên máy bay. Tổng thống Zelensky đã đặt mục tiêu cho Ukraine sản xuất một triệu chiếc FPV trong năm nay.
Tuy nhiên, Nga đã nhanh chóng nhận ra các lợi ích của UAV và FPV, rồi tìm cách vượt qua đối thủ bằng các khoản đầu tư khổng lồ, cho phép nước này vô hiệu hóa lợi thế ban đầu của các lực lượng Kiev. Bộ Quốc phòng Nga mới đây cho hay, nước này đã tăng cường sản xuất UAV và FPV quân sự trong năm qua, nhưng không công bố con số cụ thể.
Chỉ huy lữ đoàn số 59 của Kiev thừa nhận, việc quân Moscow sử dụng rộng rãi UAV và FPV đã khiến quân Ukraine gặp khó khăn trong việc thiết lập hoặc củng cố các vị trí kiên cố. Sự xuất hiện của các cỗ máy lợi hại trên không này cũng cho phép những phương tiện và hệ thống vũ khí có giá trị hơn của Nga lùi xa hơn về phía sau, tránh tầm bắn của các đơn vị pháo binh và tên lửa Ukraine.
Khi việc sử dụng các phương tiện không người lái ngày càng tăng, cả hai bên đang đẩy mạnh triển khai các hệ thống tác chiến điện tử có thể làm gián đoạn tần số truyền lệnh từ binh sĩ điều khiển đến UAV, khiến chúng rơi khỏi bầu trời hoặc nhắm trượt mục tiêu.
Các nhà phân tích lưu ý, cuộc xung đột hiện chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong bối cảnh cả Moscow và Kiev đều không chịu nhượng bộ để ngồi vào bàn đàm phán. Họ hy vọng, Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt giao tranh thông qua ngoại giao để tránh tổn thất nặng nề cho cả hai, bất kể bên nào giành ưu thế trên tiền tuyến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin