Ảnh: Tass |
Theo hãng tin Reuters, ông Jens Stoltenberg đã tách mình khỏi đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, các đồng minh phương Tây không nên loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine.
Quan chức này nói: "NATO không có kế hoạch đưa quân tới Ukraine và NATO cũng như các đồng minh của mình không phải bên tham gia xung đột".
Theo ông Stoltenberg, ngay cả khi một nước thành viên NATO nào đưa quân tới Ukraine thì điều đó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ liên minh vì các thành viên liên minh bị ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ tập thể.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có phạm sai lầm khi nói về "sự mơ hồ chiến lược" về khả năng triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine hay không, ông Stoltenberg nói: "Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng tôi phải tham khảo ý kiến và có cách tiếp cận chung bởi vì nó có ý nghĩa với tất cả chúng tôi".
Anh, Đức, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Italia và Hungary là những nước đã xác nhận sẽ không cân nhắc gửi bộ binh tới Ukraine sau những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Pháp.
Bảo vệ sự mơ hồ về chiến lược của mình, Tổng thống Pháp cho biết tại cuộc họp diễn ra ở Paris gồm 20 nhà lãnh đạo chủ yếu là châu Âu: “Không có sự đồng thuận nào về việc chính thức triển khai quân tới Ukraine. Tuy nhiên, không có gì được loại trừ. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng Nga không chiếm ưu thế”.
NATO không coi Nga là mối đe dọa quân sự tức thời
Theo Tass, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: "Chúng tôi không thấy bất kỳ mối đe dọa quân sự nào sắp xảy ra (từ Nga) đối với bất kỳ quốc gia thành viên nào của liên minh".
Tuy nhiên, quan chức này vẫn nhấn mạnh NATO phải chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa tới từ Nga và phải luôn cảnh giác. Theo ông, hiện tại Moscow không đe dọa liên minh do đang bận tâm với Ukraine.
Hôm qua (11/3), quốc kỳ của Thụy Điển đã chính thức được treo tại trụ sở NATO ở Brussels sau khi nước này gia nhập liên minh. Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Ông Stoltenberg tuyên bố việc Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh cho thấy Tổng thống Nga Putin đã thất bại trong trong chiến lược làm suy yếu khối này. Theo ông, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không chỉ khiến các nước như Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO mà giờ đây Ukraine đang tiến gần với việc trở thành một phần của NATO hơn bao giờ hết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin