Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cùng một số quan chức, cận vệ, đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng ở tỉnh Đông Azerbaijan chiều 19/5. Thảm kịch đã gây tổn thất lớn với nhà nước Iran, đồng thời có thể làm đảo lộn các kế hoạch chuyển giao quyền lực ở quốc gia này.
Raisi, 63 tuổi, đắc cử tổng thống tháng 6/2021, trong bối cảnh những chính trị gia theo đường lối cứng rắn trỗi dậy và tăng cường quyền lực và giá trị bảo thủ của nhà nước Hồi giáo trước những thách thức trong và ngoài nước.
Tại Iran, Tổng thống là người đứng đầu bộ máy hành chính, nhưng không nắm quyền định đoạt chính sách đối ngoại, quân sự hay hạt nhân. Theo hiến pháp Iran, Lãnh tụ Tối cao là "người giám hộ tuyệt đối", giám sát ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp của đất nước và có quyền bổ nhiệm các quan chức cấp cao trong quân đội, chính phủ hay cơ quan tư pháp.
Tổng thống Raisi được coi là học trò và ứng viên kế nhiệm hàng đầu của Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei, 85 tuổi, người có sức khỏe đang suy yếu. Ông Khamenei cũng từng là tổng thống trước khi trở thành lãnh tụ năm 1989, sau khi nhà sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran Ruhollah Khomeini qua đời.
Theo Vali Nasr, giáo sư nghiên cứu Trung Đông và các vấn đề quốc tế, Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp John Hopkins, nền tảng ủng hộ quan trọng nhất của ông Raisi là các giáo sĩ theo đường lối bảo thủ và cứng rắn của Iran. Đây là nền tảng quan trọng để ông đắc cử Tổng thống, cũng như hướng đến vị trí Lãnh tụ Tối cao, người nắm giữ quyền lực lớn nhất tại Iran.
"Khi Tổng thống Raisi tử nạn, họ không có một ứng viên rõ ràng nào như vậy. Điều này sẽ tạo điều kiện cho những người khác hướng đến chiếc ghế quyền lực", Nasr nói.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tại Tehran tháng 10/2023. Ảnh: AFP |
"Vụ tai nạn trực thăng đã tạo ra khoảng trống trong hàng ngũ lãnh đạo Iran, trong bối cảnh nền chính trị nước này đang đối mặt nhiều khó khăn", Jamal Abdi, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy quan hệ Mỹ - Iran NIAC, trụ sở Washington, cho biết.
Giới quan sát nhận định sau khi ông Raisi thiệt mạng, cái tên được nhắc đến nhiều nhất cho vị trí kế nhiệm Lãnh tụ Tối cao là Mojtaba Khamenei, con trai ông Ali Khamenei.
Mojtaba, 54 tuổi, không giữ vị trí nào trong chính quyền Iran, nhưng được cho là có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng tình báo và Basij, nhóm bán quân sự trực thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thường được điều động để đối phó các cuộc biểu tình.
Những mối liên hệ này khiến Mojtaba là lựa chọn gây tranh cãi, đặc biệt là trong phe cải cách và trung lập.
Tiến cử Mojtaba vào vị trí kế nhiệm ông Khamenei còn đi ngược lại quan điểm của cố lãnh tụ Khomeini, người từng cho rằng "cha truyền con nối" sẽ không khác gì chế độ quân chủ mà ông góp phần lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Những lãnh đạo Iran khi đó mô tả hệ thống của mình là vượt trội, hơn cả các nền dân chủ phương Tây hay quân chủ ở Trung Đông.
Ông Khamenei năm ngoái cũng cho rằng một chính phủ cha truyền con nối là "phi Hồi giáo". Do đó, đưa Mojtaba lên làm lãnh tụ còn có thể khiến cả phe ủng hộ chính phủ Iran bất bình.
"Cái chết của ông Raisi có thể làm tăng nhiệt cuộc cạnh tranh cho vị trí này", John Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nhận định. "Nhưng điều này cũng không đảm bảo giúp ông Mojtaba trỗi dậy. Tại Iran có xu hướng phản đối mạnh mẽ sự kế thừa quyền lực".
Mojtaba Khamenei, con trai lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tại Tehran tháng 6/2019. Ảnh: AFP |
Một cái tên đáng chú ý khác có thể kế nhiệm ông Khamenei là Alireza Arafi, 67 tuổi, thành viên Hội đồng Thông thái, cơ quan chịu trách nhiệm lựa chọn tân lãnh tụ tối cao.
Arafi ít được công chúng biết đến hơn, nhưng cũng từng giữ một số vị trí danh giá từ đầu những năm 2000. Ông từng được Lãnh tụ Khamenei bổ nhiệm làm lãnh đạo Đại học Quốc tế Al-Mustafa, là giáo sĩ thánh đường trung tâm Qom. Ông hiện là giám đốc của tất cả trường dòng ở Iran, một trong những chức sắc tôn giáo có sức ảnh hưởng nhất.
Trái với Mojtaba, người có xu hướng thiên về Hồi giáo chính thống, Arafi am hiểu về công nghệ và muốn các giáo sĩ tiếp nhận công nghệ.
Theo Financial Times, Arafi hồi tháng 7/2023 cho rằng các trường dòng nên sử dụng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ để thúc đẩy nền văn minh Hồi giáo.
Giáo sĩ Alireza Arafi. Ảnh: Hawzah News |
Giới lãnh đạo Iran chưa bao giờ công khai bàn luận về người kế nhiệm tiềm năng, khiến câu hỏi ai sẽ kế tục di sản của ông Khamenei trở thành vấn đề gây nhiều đồn đoán.
Iran mới chỉ chọn lãnh tụ tối cao một lần vào năm 1989. Khi đó, ông Khamenei cũng không phải ứng viên tiềm năng rõ ràng. Ông chỉ được bổ nhiệm sau khi được nhóm kín thân tín của ông Khomeini lựa chọn.
Sau cái chết của Tổng thống Raisi, Lãnh tụ Khamenei ngày 19/5 lên tiếng trấn an người dân Iran không cần phải lo lắng, bởi hoạt động của đất nước sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông vẫn chưa công khai chỉ định bất cứ ai sẽ là người kế nhiệm mình.
"Ông Khamenei chắc chắn không muốn chứng kiến bất ổn gia tăng trong nước trước khi người kế nhiệm xuất hiện", Mehrzad Boroujerdi, chuyên gia về Iran tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri, nói."Ông ấy muốn truyền tải thông điệp rằng sự ổn định của chế độ không phụ thuộc vào các cá nhân dưới quyền".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin