Hai tổng thống bắt tay tại cuộc gặp ở Fasano (Ý) hôm 13/6. Ảnh: Reuters |
Thoả thuận, được ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý, sẽ buộc chính quyền Mỹ trong tương lai phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine, ngay cả khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
“Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của Ukraine trong dài hạn”, Tổng thống Mỹ Biden nói trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky.
Ông Biden cho biết thông điệp mà nhóm G7 muốn gửi đến Nga là “họ không thể chia rẽ chúng tôi”. Nhóm các quốc gia phát triển cũng đồng ý cho Ukraine vay 50 tỷ USD trích từ lợi nhuận tài sản bị phong toả của Nga.
Thỏa thuận an ninh Mỹ - Ukraine là khuôn khổ cho nỗ lực lâu dài nhằm phát triển các lực lượng vũ trang của Ukraine và là một bước tiến tới việc Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên NATO.
Thỏa thuận nêu rõ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang hoặc đe dọa đối với Ukraine, các quan chức hàng đầu của Washington và Kiev sẽ gặp nhau trong vòng 24 giờ để tham khảo ý kiến về phản ứng và xác định những nhu cầu phòng thủ bổ sung nào là cần thiết đối với Ukraine.
Theo thỏa thuận, Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thoả thuận cũng vạch ra kế hoạch phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine và mở rộng quân đội.
Ảnh: Reuters |
Tổng thống Ukraine gọi đây là thoả thuận mang tính lịch sử, là “cầu nối dẫn tới việc Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO”. “Đây là một thoả thuận về an ninh, giúp bảo vệ mạng sống người dân”, ông nói.
Thoả thuận nêu rõ Ukraine cần một lực lượng quân sự "đáng kể" và đầu tư bền vững vào cơ sở công nghiệp quốc phòng phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO.
Thoả thuận sẽ cho phép hai nước chia sẻ thông tin tình báo, tổ chức các chương trình huấn luyện quân sự cũng như các cuộc tập trận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Biden mới đây đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga, cho phép Kiev phóng tên lửa tầm xa của Mỹ nhằm vào các mục tiêu Nga gần thành phố Kharkiv của Ukraine.
Tại cuộc họp báo ngày 13/6, Tổng thống Biden nói rõ rằng ông sẽ không cho phép Ukraine mở rộng việc sử dụng tên lửa của Mỹ bên trong lãnh thổ Nga.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin