Điều gì sẽ có trên bàn nghị sự thượng đỉnh Nga -Triều?
Ngày 23/4, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un sẽ thăm Nga và có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin cuối tuần này.
Điện Kremlin thông báo hội nghị thượng đỉnh nói trên sẽ diễn ra vào ngày 25/4 tới tại Vladivostok. Nhiều đồn đoán cho rằng ông Kim Jong-un sẽ tới Nga bằng tàu hỏa. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn chưa chính thức tiết lộ về việc ông Kim Jong-un đã khởi hành chuyến đi này hay chưa. Nếu di chuyển bằng tàu hỏa, ông Kim Jong-un dự kiến phải mất 10-15 giờ để di chuyển tới Vladivostok.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thảo luận về các mối quan hệ song phương, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hợp tác trong khu vực.
Theo tác giả Stephen Blank trên trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên 38North, cả hai quốc gia đều có lý do trông chờ cho cuộc gặp này. Ông nhận định mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Moskva luôn là đảm bảo được sự thừa nhận từ phía Bình Nhưỡng về vai trò quan trọng của Nga trong quá trình giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên. Từ lâu, Moskva thường xuyên đề cao mối quan hệ hữu nghị lâu đời với Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến các dự án kinh tế và chiến lược đàm phán tương lai của Triều Tiên cũng có thể được đưa ra trong hội nghị.
Bình Nhưỡng cần gì từ Moskva?
Triều Tiên đang muốn nhập 100.000 tấn bột mì từ Nga. Điều này cho thấy quốc gia Đông Bắc Á này đang gặp khó trong mùa thu hoạch năm nay, cũng như bị ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế và của Mỹ.
Tuy nhiên, đề nghị cung cấp bột mì rõ ràng không phải là chương trình nghị sự kinh tế duy nhất mà Triều Tiên muốn từ Nga.
Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ luôn nhấn mạnh sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu Triều Tiên không đưa ra được những bước đi cụ thể trong việc phi hạt nhân hóa. Chính vì vậy, mong muốn của Chủ tịch Kim Jong-un tìm cách giảm thiểu hoặc phá vỡ các biện pháp trừng phạt sẽ phải xem xét kỹ lưỡng cùng với câu hỏi: nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ theo đuổi chiến lược ngoại giao nào sau khi Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội không có được một kết quả như ý.
Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 ở Hà Nội, Bình Nhưỡng giành được sự ủng hộ rất lớn từ phía Moskva và Bắc Kinh về những lời đề nghị nhượng bộ với Washington. Nhưng có vẻ như chính quyền Tổng thống Trump đang bị mắc kẹt trong cách tiếp cận “một là hoàn toàn, hai là không có gì” đối với tiến trình phi hạt nhân hóa và các biện pháp trừng phạt.
Moskva thể hiện rõ quan điểm không mong Bình Nhưỡng nhất trí với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức. Thay vào đó, Nga mong muốn các bên tiến hành đàm phán chắc chắn để gây dựng lòng tin chung.
Moskva cần gì từ Bình Nhưỡng?
Về phía Moskva, trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh giữa ông Putin và ông Kim Jong-un có khả năng sẽ tập trung vào việc tìm hiểu chiến lược phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và khuyến khích những bước đầu tiên có thể thực hiện với Washington, cũng như vạch ra phương hướng để Moskva có thể đóng góp cho quá trình đó.
Moscow cũng có thể sẽ tìm cách đạt được các cam kết cụ thể từ Bình Nhưỡng, như sự ủng hộ đối với tuyến đường sắt Siberia, tuyến đường sắt xuyên Bán đảo Triều Tiên và đường ống dẫn khí. Những chương trình này là nền tảng trong nỗ lực của Nga sử dụng kinh tế và năng lượng để khẳng định vị thế trên Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á. Hàn Quốc luôn ủng hộ các dự án này nhưng trong quá khứ, Triều Tiên là một trở ngại lớn cho việc thực hiện.
Bắc Kinh và Moskva đều không mấy mặn mà với chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức. Do vậy, trong lần gặp này, dư luận có thể mong đợi Tổng thống Putin sẽ đóng vai trò là người lắng nghe và cảm thông với Chủ tịch Kim Jong-un nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên bảo lưu quan điểm phi hạt nhân hóa, hướng tới sự ổn định và an ninh khu vực.
Theo Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin