Theo nguồn tin từ Nghị viện châu Âu, với kết quả 621 phiếu thuận, 49 phiếu chống và 13 phiếu trắng, EP đã chính thức phê chuẩn Thỏa thuận Brexit, mở đường cho Anh rời khỏi "mái nhà chung" EU đúng kế hoạch vào ngày 31/1 này.
Về phương diện luật pháp, đây là bước cuối cùng trong tiến trình phức tạp để Anh rời khỏi khối này.
Động thái trên diễn ra sau khi, ngày 24/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã ký thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU. Bà Ursula von de Leyen thông báo: "Ông Charles Michel và tôi vừa ký Thỏa thuận Anh rút khỏi EU, mở đường cho Nghị viện châu Âu thông qua (thỏa thuận này)".
Phát biểu với báo giới, bà Ursula von der Leyen nói rằng EU mong muốn sẽ "vẫn là người bạn tốt, đối tác tốt với Vương quốc Anh. Vì nhiều lợi ích chung, chúng tôi muốn thúc đẩy một mối quan hệ đối tác mật thiết (với London). Về thương mại, EU sẽ xem xét một Thỏa thuận thương mại tự do với Anh, theo đó đưa các biểu thuế và hạn ngạch về mức không (0%)".
Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Maria Sassoli cho biết các nhà lập pháp EU "rất buồn" khi chứng kiến quốc gia thành viên Anh rời khỏi khối. Ông nói: "Chúng tôi đánh giá cao mọi công việc mà Anh đã làm trong những năm qua. Các bạn rời khỏi Liên minh châu Âu, song các bạn vẫn là một phần của châu Âu".
Tuần trước, Vương quốc Anh cũng đã hoàn tất các bước cần thiết để rời khỏi EU sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị ngày 23/1 đã ký Dự luật Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Dự luật Brexit).
Bước tiếp sau đó là London và EU sẽ khởi động các cuộc đàm phán thương mại. Ông Johnson tuyên bố London sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán này "càng sớm càng tốt" sau ngày 31/1.
Sau khi rời EU, nước Anh sẽ bước vào giai đoạn 11 tháng chuyển tiếp để London và EU thảo luận qui chế quan hệ trong tương lai. Anh sẽ vẫn là một thành viên của liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất, tức là hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường ở giai đoạn này.
Anh mong muốn mối quan hệ trong tương lai với Liên minh châu Âu (EU) dựa trên sự hợp tác hữu nghị. Đây là khẳng định của người phát ngôn Thủ tướng Anh đưa ra ngày 21/1, khi được hỏi về thông tin cho rằng London có thể bị phạt nếu vi phạm những điều khoản của thỏa thuận thương mại tương lai với EU.
Ngày 20/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất chế tài thương mại đối với Anh trong tương lai. Theo đó, Anh có thể bị phạt hoặc mất quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường châu Âu nếu vi phạm cam kết thương mại.
Đây là động thái của EU nhằm bảo đảm thương mại và các hoạt động tương lai với Anh hậu Brexit được bảo đảm bằng các điều khoản chặt chẽ, cho phép mỗi bên hành động quyết đoán để bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp bên kia vi phạm cam kết.
Pháp và một số thành viên chủ chốt khác trong EU đang gây sức ép để Anh phải tuân thủ các quy định của EU trong những lĩnh vực như chính sách môi trường và thị trường lao động, trợ cấp của nhà nước và thuế. EU cho rằng việc tuân thủ này là “đặc biệt cần thiết” để bảo vệ các doanh nghiệp của châu Âu khỏi sự cạnh tranh không bình đẳng.
Ngày 15/1, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng "làm việc ngày và đêm" để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh vào hạn chót cuối năm nay.
Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Ireland, Chủ tịch EC cho biết sau khi hoàn tất tham vấn tại Brussels và sau khi EU phê chuẩn quyết định ủy thác đàm phán, tiến trình đàm phán chính thức sẽ bắt đầu vào cuối tháng Hai hoặc đầu tháng Ba tới.
Chủ đề bao trùm trong tiến trình này sẽ xoay quanh câu hỏi nước Anh tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc và quy định của EU như thế nào hậu Brexit.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin