Tin tức

Hình phạt cứng rắn mà các nước áp dụng để chống lại dịch Covid-19

16:26, 25/03/2020
Nhiều nước phương Tây đã áp dụng các chế tài nặng để xử phạt các trường hợp vi phạm các biện pháp cách ly, giãn cách phòng chống dịch Covid-19.

Canada

Báo điện tử TheStar cho hay, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 23/3 đã cảnh báo dân chúng nước này rằng những ai phớt lờ lời khuyên về giãn cách xã hội hay mạo hiểm tới chỗ tụ tập đông người đã đang tự đặt mình và người khác vào nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19. Ông nói “hãy về nhà và ở trong nhà”.

Cùng ngày, Hội đồng thành phố Vancouver (Canada) đã bỏ phiếu nhất trí cho phép áp dụng mức phạt tiền lên tới 50.000 đôla đối với các doanh nghiệp không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và mức phạt lên tới 1.000 đôla đối với các cá nhân vi phạm.

 
Dịch Covid-19 đang đe dọa nhiều nước phương Tây.  

Trên mạng xã hội Twitter, Thị trưởng Vancouver, Kennedy Stewart, cho biết biện pháp đề nghị theo kiểu nhẹ nhàng tình cảm đã không đạt hiệu quả. Vị này kêu gọi: “Tình hình hiện nay là nghiêm trọng, đã đến lúc phải đóng cửa, ở yên, để cứu mạng sống con người”.

Tỉnh Nova Scotia của Canada đã giới hạn các nhóm tụ tập ở mức tối đa là 5 người và cảnh sát ở đây được quyền phạt 1.000 đôla đối với các cá nhân vi phạm giãn cách xã hội và 7.500 đô la đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Trong khi đó, Quebec (Canada) phạt ít nhất 1.000 đôla đối với những ai phớt lờ lệnh cấm tụ tập.

Mỹ

Theo NBC12, bang Virginia (Mỹ) đã áp dụng biện pháp rắn để đối phó với dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở quốc gia này. Thống đốc bang, Ralph Northam, yêu cầu siết chặt việc thực thi hạn chế số khách hàng tới thăm các doanh nghiệp xuống 10 người hoặc ít hơn nữa.

Thống đốc Northam cảnh báo: “Nếu các nhà hàng, rạp hát, trung tâm gym của chúng ta mà mở cửa cho hơn 10 khách hàng thì các vị có thể bị phạt và mất giấy phép kinh doanh tại địa điểm đó”.

Trước lệnh cấm này, một số cơ sở kinh doanh ở bang Virginia đã chủ động điều chỉnh theo hướng dùng mạng xã hội để gửi các video tập luyện và cho phép khách hàng mang một số thiết bị tập về nhà...

Pháp

Pháp là một trong các nước châu Âu đang áp dụng biện pháp cứng rắn nhất để đối phó với Covid-19.

 
Cảnh sát Pháp kiểm soát người trên các tuyến đường để phòng dịch Covid-19. 

Theo đài RFI, chỉ trong thời gian ngắn 2 ngày, ở Pháp đã có khoảng 4.095 người đã bị phạt tiền vì vi phạm các quy định về chống dịch Covid-19, tính từ khi lệnh phong tỏa được bắt đầu áp dụng vào giữa trưa ngày 17/3.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nói với kênh TF1 vào tối 18/3 rằng ban đầu mức phạt là 35 euro, sau đó là 135 euro và có thể tăng tới 375 euro cho những người vi phạm lệnh hạn chế đi lại.
Công dân Pháp được phép ra ngoài chỉ khi nào thực sự cần thiết, như khi đi làm, đi khám chữa bệnh, tập thể dục, hay đi chợ, và họ phải ký vào một văn bản khai báo mình đang đi đâu.

Nga

Trang tin Channel News Asia cho biết, Chủ tịch  Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin mới đây đã đề xuất một dự luật bỏt tù những đối tượng vi phạm các biện pháp cách ly chống Covid-19. Theo đó, các đối tượng vi phạm lệnh cách ly bắt buộc có thể bị phạt tù lên đến 7 năm nếu như hành động của họ để lại hậu quả là khiến từ 2 người trở lên tử vong, hoặc 3 năm tù nếu gây ra sự lây nhiễm trên diện rộng.

Albania

Albania có lẽ một trong các nước áp dụng toàn diện nhất nhiều hình phạt cho các vi phạm lệnh cấm liên quan đến việc phòng chống Covid-19.

Theo trang BalkanInsight, các cuộc tụ tập xã hội, văn hóa, hay chính trị ở Albania, dù là trong không gian đóng hay mở, đều bị cấm và người vi phạm có thể bị phạt tới 5 triệu lek (tương đương 40.000 euro).

Cụ thể, theo luật khẩn cấp này, “các thực thể hay cá nhân tổ chức các hoạt động công cộng hay phi công cộng, như là các sự kiện thể thao, văn hóa, hoặc hội nghị, hay các cuộc tụ tập đông người trong các không gian đóng hay ngoài trời, như là hòa nhạc, nghe diễn thuyết, bị phạt 5 triệu lek”.

Các đài truyền hình bị cấm huy động hơn 2 người cho các chương trình talk show (một dạng tọa đàm truyền hình) trong cùng một căn phòng và họ sẽ bị phạt 1 triệu lek (tương đương 8.300 euro) nếu vi phạm lệnh cấm này./.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện