Tin tức

Số ca nhiễm mới tại Italy tăng gần 3.500 trong một ngày; Tây Ban Nha phong tỏa 46 triệu dân

09:19, 15/03/2020
Số ca tử vong vì nhiễm virus corona ở Italy đã lên đến 1.441 trường hợp tính đến ngày 14/3, tăng gần 14% so với một ngày trước đó. Thêm 3.497 ca nhiễm mới được xác nhận.

Theo Reuters, tổng số ca nhiễm tăng vọt từ 17.660 lên 21.157 trong vòng một ngày. Trong khi đó, có thêm 527 bệnh nhân được xác nhận đã hồi phục. Số ca bệnh nặng cần điều trị tích cực đã tăng từ 1.328 lên 1.518 người.

Các lệnh giới hạn là chưa đủ

Riêng tại vùng Lombardy, nơi dịch bệnh bùng phát nghiêm trong nhất, số ca tử vong ngày 14/3 tăng thêm 76 trường hợp, lên đến 966 bệnh nhân. Giulio Gallera, quan chức y tế cấp cao của Lombardy, cho biết số ca nhiễm ở vùng này đã tăng lên 11.685, nhiều hơn số liệu thống kê một ngày trước 1.865 bệnh nhân.

Tuần này, sau khi tuyên bố phong tỏa toàn quốc, chính phủ Italy tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp khác, bao gồm đóng cửa, quán bar, nhà hàng, hầu hết cửa tiệm, cấm việc đi lại không thực sự cần thiết. Cho đến nay, các biện pháp phong tỏa, đóng cửa trên không giảm được đà tăng số ca tử vong.

 
Phun thuốc khử trùng tại thành phố Milan, Italy hôm 14/3. 

Lãnh đạo y tế vùng Lombardy Giulio Gallera cho biết các lệnh giới hạn là chưa đủ đối với vùng này, nơi có trung tâm tài chính Milan và có tới 3/4 số ca tử vong của cả nước.

“Chúng tôi đang đề nghị thêm những ngoại lệ đối với Lombardy”, ông nói với đài RAI 3, kêu gọi đóng cửa thêm các nhà máy, văn phòng và giao thông công cộng. “Nếu chúng ta có thể hạn chế 8 ngày như vậy, có thể chúng ta sẽ đảo ngược được tình hình”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/3 nhận định châu Âu giờ đây là tâm dịch mới của bệnh virus corona trên toàn thế giới, nơi đang có số ca nhiễm và ca tử vong vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhiều hơn tất cả những nơi khác gộp lại, chỉ trừ Trung Quốc đại lục.

 
Thành phố Turin bước sang ngày phong tỏa thứ 4. 

Tình hình lây nhiễm ở châu Âu đang ngày càng nghiêm trọng. Một loạt các quốc gia đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại trong nỗ lực ngăn hệ thống y tế của họ sụp đổ do quá tải bệnh nhân.

Tây Ban Nha và Pháp theo gót Italy trong "canh bạc" phong tỏa

Tại Tây Ban Nha, ổ dịch lớn thứ hai tại lục địa già, Thủ tướng Pedro Sanchez hôm 14/3 cho biết nước này sẽ phong tỏa 46 triệu dân trong khuôn khổ lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày để chống lại virus corona.

Số ca tử vong vì virus corona tại nước này đã lên tới 193 hôm 14/3, từ 120 ca hôm 13/3, theo đài TVE.

Số ca nhiễm bệnh đã lên tới 6.250, tăng so với 4.209 ca của một ngày trước đó, đồng thời cũng tăng cao so với 5.753 được công bố trước đó trong ngày 14/3.

 
Số ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu tăng mạnh theo cấp số nhân. 

Tại Pháp, 91 trường hợp tử vong và 4.500 ca nhiễm đã được ghi nhận. Thủ tướng Eduard Phillipe ngày 14/3 thông báo các nhà hàng, cơ sở giải trí, quán cà phê và những cửa hàng không bán đồ dùng thiết yếu tại nước này từ 15/3 phải tạm ngừng hoạt động. Chính phủ Pháp kêu gọi 67 triệu người dân ở trong nhà và hạn chế tiếp xúc.

Thủ tướng Philippe nói chính phủ buộc phải sử dụng biện pháp mạnh, đóng cửa các cơ sở giải trí tập trung đông người trên toàn quốc vì người dân vẫn còn ra đường quá nhiều. Ông cho biết vẫn còn nhiều người Pháp không tuân thủ những biện pháp ứng phó dịch bệnh, trong đó bao gồm giữ khoảng cách khi giao tiếp. Thủ tướng Pháp cảnh báo những thói quen này đang giúp virus lây lan nhanh hơn.

Một số nước châu Âu đã chuyển sang áp dụng biện pháp cách ly mình khỏi các nước láng giềng. Đan Mạch đã đóng cửa biên giới và tạm dừng lưu lượng hành khách đến và đi từ nước này, một biện pháp kéo dài đến ngày 13/4.

Du khách sẽ bị từ chối tại biên giới, nếu họ không thể chứng minh rằng họ có lý do hợp pháp để vào, ví dụ nếu họ là công dân Đan Mạch.

Ba Lan dự định đóng cửa biên giới lúc nửa đêm 14/3 và từ tối tất cả người nước ngoài nhập cảnh, trừ khi họ sống ở Ba Lan và có quan hệ cá nhân ở đó. Những người không phải là công dân Ba Lan sẽ bị cách ly 14 ngày.

Cộng hòa Czech và Slovakia có động thái tương tự. Latvia cho biết sẽ kiểm dịch biên giới với Ba Lan và Latvia trong 10 ngày và đang xem xét cấm du khách nước ngoài. Nga cho biết biên giới đất liền với Ba Lan và Na Uy sẽ bị đóng cửa từ ngày 15/3.

Theo Zing

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện