Liu Jingzhen, Chủ tịch tập đoàn dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), được báo Guangming Daily ở Thượng Hải dẫn lời nói rằng giá bán cho gói 2 liều vắc-xin COVID-19 của hãng này sẽ khoảng 1.000 nhân dân tệ (hơn 3,3 triệu đồng) và sẽ bắt đầu được bán từ tháng 12.
Không rõ ông Liu nói đến giá bán buôn hay bán lẻ, nhưng mức này cho đến nay là cao nhất trong số các mức giá được công bố.
Nhiều loại vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc đang được thử nghiệm giai đoạn cuối. (Ảnh: Xinhua) |
Một số tập đoàn dược phẩm lớn như AstraZeneca và Johnson & Johnson duy trì nguyên tắc truyền thống là bán hàng không lợi nhuận đối với các loại vắc-xin phòng đại dịch, nên cho biết sẽ bán sản phẩm với giá thấp. Tuy nhiên, họ cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ và Anh.
Những hãng khác như Moderna, Pfizer, và Merck cho biết sẽ tính lợi nhuận vào giá bán sản phẩm của họ.
Cho đến nay, vắc-xin giá rẻ nhất là sản phẩm của ĐH Oxford hợp tác với hãng AstraZeneca, với mức 4USD/liều khi bán cho chính phủ. Vắc-xin này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng nhưng nhà sản xuất đã ký hợp đồng cung cấp cho chính phủ Anh và Ấn Độ.
Adar Poonawalla, CEO của Viện Serum Ấn Độ, cho biết giá vắc-xin mà họ sản xuất cho ĐH Oxford sẽ dưới 1.000 rupee (khoảng 300.000 đồng) nếu được bán ở Ấn Độ.
Hãng Johnson & Johnson của Mỹ đang chào bán với giá khoảng 10 USD/liều và đã ký hợp đồng với chính phủ Mỹ để cung cấp 100 triệu liều.
Tổng giám đốc điều hành hãng Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết công ty này sẽ bán vắc-xin với giá khoảng 20 USD/liều, báo Wall Street Journal đưa tin.
Pfizer và hãng dược Đức BioNTech ký thỏa thuận với chính phủ Mỹ để cung cấp 100 triệu liệu vắc-xin mRNA với giá 1,95 tỷ USD. Ông Bourla nói rằng giá bán cho các nước đang phát triển sẽ thấp hơn.
Moderna ra giá tương đối cao và đã ký thỏa thuận với nhiều nước với mức từ 32-37USD/liều. Hãng này nói rằng mức giá cao là do quy mô sản xuất nhỏ.
Vắc-xin Spunik V của Nga được công bố là khoảng 10 USD/gói gồm 2 mũi tiêm.
Chưa rõ các vắc-xin COVID-19 có được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí của Trung Quốc hay sẽ được tiêm tự nguyện và khách hàng phải trả toàn bộ chi phí.
Tao Lina, một chuyên gia về vắc-xin ở Thượng Hải, nói rằng ông ngạc nhiên khi mức giá của Sinopharm cao hơn nhiều so với các nước phương Tây.
Ông Tao nói rằng mức giá này cho thấy Trung Quốc có thể không đưa vắc-xin vào chương trình tiêm miễn phí.
Sinopharm đang thử nghiệm 2 vắc-xin bất hoạt. Chưa rõ mức giá mà ông Liu nói có ảnh hưởng đến giá của 2 hãng Trung Quốc hay không. CanSino và Sinovac chưa công bố giá bán của họ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin