Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Việt Nam không thiếu cầu thủ giỏi, nhưng vì sao 10 năm liền trắng tay?

08:21, 08/11/2018

Mấy ngày trước khi trái bóng AFF Cup 2018lăn, cựu danh thủ Hồng Sơn đăng lên Facebook cá nhân của mình một tấm ảnh thể hiện danh sách tất cả những cầu thủ xuất sắc nhất của mỗi giải vô địch Đông Nam Á.

 

Ở giải 1998, có tên anh, Hồng Sơn. Đấy cũng là cầu thủ duy nhất của chúng ta được trao danh hiệu Cầu thủ hay nhất một vòng chung kết trong toàn bộ lịch sử của giải đấu này. Nhưng năm 1998 ấy, chúng ta đã thắp lên những ước mơ đẹp đẽ và hạnh phúc bao nhiêu thì cơn ác mộng ập đến bẽ bàng và đau đớn bấy nhiêu.

Nhiều bạn trẻ đã ăn mừng chiến công của đội tuyển U23 những ngày đầu năm nay hoặc chưa ra đời vào thời điểm ấy, hoặc còn quá bé để được chứng kiến một bi kịch nặng nề ở sân Hàng Đẫy trong trận chung kết, khi cái lưng của Sasi Kumar giết chết những hy vọng Cúp vàng. Năm ấy, Hồng Sơn và các đồng đội của anh đã chơi tuyệt vời.

Những ai đã sống những năm đó, đã chứng kiến trận bán kết chúng ta đánh bại Thái Lan 3-0, trong đó có một bàn thắng để đời của số 8 điển trai ấy, sau đó là một động tác ăn mừng kiểu chào nhà binh, có lẽ sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra. Cả những cầu thủ của chúng ta ngày đó cũng sẽ không quên thất bại, dù từ đó đến nay đã qua 20 năm.

Mấy năm trước, khi ở Brazil, tôi đã từng chứng kiến những nỗi đau thất bại của họ sau khi đội tuyển vàng-xanh bị Đức đánh bại với tỷ số không tưởng 1-7 ở bán kết. Những giọt nước mắt đã rơi. Những chiếc xe cấp cứu chạy đầy đường Belo Horizonte, nơi diễn ra trận đấu ấy. Những chiếc áo số 10 mang tên Neymar cúi đầu im lặng lê bước trên đường.

Nhưng đối với không ít người Brazil, đấy chưa phải là thất bại đau đớn nhất trong lịch sử bóng đá của họ, mà là trận thua Uruguay 1-2 ở chung kết World Cup 1950. Bao nhiêu năm đã qua, bao nhiêu thất bại đã qua, nhưng vẫn không có gì so sánh được với thảm bại Maracana ấy. Nó như một cái gai nhức nhối trong lòng họ. Trận thua ở Hàng Đẫy liệu phải là một “Maracanazo” của chúng ta? Và đến bao giờ chúng ta mới thực sự lãng quên đi trận thua đau đớn ấy?

Chiến thắng 10 năm sau đó ở AFF Cup 2008 đã xua đi ít nhiều những nỗi buồn. Thành công của lứa U23 ở giải U23 châu Á hồi đầu năm và việc đội U23+3 vào tới bán kết ở ASIAD mới đây giống như một liều thuốc giải độc không chỉ đối với cả nền bóng đá, đem đến những hy vọng lớn lao, mà còn tạo ra những niềm tin lớn lao đối với người hâm mộ.

Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.
Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.

Niềm tin ấy đã bị thử thách và phản bội rất nhiều lần trong quá khứ sau mỗi lần đội tuyển thất bại trên sân chơi khu vực, từ các SEA Games cho đến AFF Cup xen kẽ năm lẻ và chẵn, tức là năm nào người hâm mộ chúng ta cũng chứng kiến con đường đến các Cúp vàng bị chặn lại ở đâu đó, nhưng ở đâu thì cũng cùng một cách. Đã có cả những nỗi nghi ngờ, sự buồn chán, xa lánh, những lời chỉ trích. Bức tranh trở nên u ám khi công an đã xuất hiện sau một số trận thua. Và có những người hùng bóng đá thay vì mặc áo đấu lại khoác lên mình chiếc áo tù.

Nay, trái bóng AFF Cup sẽ lăn. Một hành trình mới của ĐTQG sẽ bắt đầu, để lại phía sau rất nhiều câu chuyện buồn và biết bao nỗi thất vọng, với những ước mơ dang dở cứ sau mỗi năm một lần đem quân thi đấu giải khu vực. Những chiến công của lứa U23 ở cấp châu lục đã khiến người ta mơ ước xa hơn, ước về một nền bóng đá được xây đắp trên nền của tuổi trẻ, ước bóng đá chúng ta vượt ra khỏi khuôn khổ của bóng đá khu vực. Nhưng thành công ở giải trẻ ấy mới chỉ là cái móng, thành công ở cấp ĐTQG của lứa trẻ ấy mới là sự khẳng định và áp lực đã tăng lên với họ mỗi ngày, trước khi giải đấu bắt đầu.

Vấn đề không phải là chúng ta không có các lứa cầu thủ giỏi. Những AFF Cup 2014 và 2016 Việt Nam đều được coi là ứng viên hàng đầu nhờ đội ngũ tốt, nhưng vấn đề không nằm ở chuyên môn của họ, mà là ở cái đầu của họ, ở việc thiếu đi sự bản lĩnh, lạnh lùng, tỉnh táo và thực dụng trong những hoàn cảnh cần thiết. Ở AFF Cup này, chúng ta sẽ ở trạng thái tâm lý nào, với áp lực lớn hơn nhiều những năm qua, tích tụ từ 10 năm thua cuộc và thành công mang tính hiện tượng của lứa U23?

Một phần câu trả lời sẽ đến hôm nay, khi Việt Nam đối đầu với Lào, mở đầu cho một hành trình không đơn giản.

Theo Thể thao&Văn hoá