Thể thao

Ngày “bão vàng” của thể thao Việt Nam

07:24, 16/05/2022
Chỉ trong ngày tranh tài 15-5, các VĐV Việt Nam (VN) đã giành gần phân nửa số HCV đoàn thể thao VN đã đạt được trong hai ngày trước đó.

Chỉ trong ngày tranh tài 15-5, các VĐV Việt Nam (VN) đã giành gần phân nửa số HCV đoàn thể thao VN đã đạt được trong hai ngày trước đó.

Phạm Tiến Sản trở thành “VĐV mở hàng may mắn nhất” khi anh mang về chiếc HCV duathlon (hai môn phối hợp đua xe đạp và chạy bộ), khơi mào cho hàng loạt chức vô địch cùng hai kỷ lục SEA Games bị phá vỡ ở môn “thể thao nữ hoàng” là điền kinh và bơi lội.

Tính đến thời điểm này, chân chạy cự ly trung bình Nguyễn Thị Oanh đã trở thành VĐV giàu thành tích nhất đấu trường SEA Games 31, với hat trick HCV cùng một kỷ lục mới ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật.

  

Kình ngư 19 tuổi Trần Hưng Nguyên, chân chạy Nguyễn Thị Oanh trở thành biểu tượng chiến thắng của thể thao Việt Nam trong ngày thi đấu thứ ba tại SEA Games 31.

Đặc biệt, điều phi thường đấy được cô gái người Bắc Giang có biệt danh “ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh chinh phục chỉ trong hai ngày. Hệt như kỳ tích ba năm trước, Oanh đã thực hiện trên đất Philippines. Trong suốt sự nghiệp, cô gái cao chưa đến 1,6 m Nguyễn Thị Oanh đã khiến mọi người phải nghiêng mình khi sở hữu trong tay 8 HCV và 1 HCB SEA Games, 1 HCĐ Asiad 2018, 1 HCV và 1 HCB chạy băng đồng tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016.

 \Ngay bên cạnh sân vận động Mỹ Đình, đường đua xanh cung thể thao dưới nước Mỹ Đình cũng dậy sóng khi chứng kiến kình ngư 19 tuổi Trần Hưng Nguyên thiết lập kỷ lục đại hội mới ở cự ly 400 m hỗn hợp nam. 

 

Không chỉ bảo vệ thành công chiếc HCV, kình ngư người Quảng Bình còn tự tay xô đổ kỷ lục cũ 4’20”65 của chính mình, tạo nên cột mốc mới 4’18”10 ở đấu trường khu vực. Cùng với sự tỏa sáng của Hưng Nguyên, bơi lội VN cũng trình làng tài năng Nguyễn Quang Thuấn (em trai của cựu tuyển thủ Ánh Viên). Kình ngư chỉ mới 16 tuổi đã xuất thần giành HCB ngay trong lần đầu tham dự đấu trường SEA Games.

Cùng góp công vào ngày “bão vàng” của thể thao VN, điền kinh còn đem về thêm bốn chức vô địch của các VĐV Nguyễn Thị Huyền (400 m nữ), Nguyễn Văn Lai (5.000 m nam), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam) và Phạm Thị Diễm (nhảy cao nữ).

Môn dance sport trong ngày đầu xuất quân cũng chứng kiến những cuộc đăng quang của Nguyễn Trung Kiên - Phạm Hồng Anh, 2 HCV của bộ đôi Nguyễn Đoàn Minh Trường - Đặng Thu Hương.

Wushu kép lại ngày tranh tài cuối với 7 HCV thuộc về Hoàng Thị Phương Giang (trường quyền nữ) cùng các cuộc lên ngôi của các võ sĩ tán thủ Nguyễn Thị Thu Thủy (56 kg), Ngô Phương Nga (52 kg), Nguyễn Thị Trang (60 kg), Bùi Trường Giang (60 kg), Trương Văn Chưởng (65 kg) và Nguyễn Văn Tài (70 kg).

Thể dục dụng cụ xuất sắc giành chiếc HCV thứ hai do Đặng Ngọc Xuân Thiện lập công ở nội dung ngựa vòng nam. Tương tự ở môn đấu kiếm, kiếm sĩ Bùi Thị Thu Hà cũng đem về chiếc HCV thứ ba nội dung kiếm chém nữ.

Kỳ thủ cờ vua Nguyễn Ngọc Trường Sơn vô địch cờ tiêu chuẩn nam trong khi hai kỳ thủ cờ tướng Hà Văn Tiến - Nhật Quang giành HCV cờ chớp đồng đội nam.

Môn thể hình, các lực sĩ Trần Hoàng Duy Thuận - Bùi Thị Thoa (đôi nam - nữ), Đinh Kim Loan (cổ điển nữ) cùng hai bi thủ petanque Lan Anh - Hồng Loan (đôi nữ) cũng lần lượt lên ngôi vô địch.

Trên bảng tổng sắp huy chương tối 15-5, ngoài ngôi đầu vững vàng thuộc về chủ nhà VN, hai đoàn Thái Lan và Philippines cũng có những bước nhảy vọt, qua mặt đoàn Indonesia và Malaysia để chiếm hai vị trí á quân và hạng ba bảng tổng sắp.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện