Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi Đảng bộ, nhân dân Nghệ An - Di chúc cho quê hương

19:55, 08/05/2019
Trong gần 60 năm xa quê hương hoạt động Cách mạng, dù chỉ về thăm quê được 2 lần, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm, một tình cảm trọn vẹn dành cho quê hương. Điều này thể hiện qua hàng chục bức thư Người gửi về quê. Giữa năm 1969, tiên lượng được sức khỏe của mình, cùng với di chúc để lại cho đất nước, ngày 21/7, Người đã viết và gửi bức thư cuối cùng cho BCH Đảng bộ Nghệ An. Đây được xem là di chúc Người dành riêng cho quê hương trước lúc đi xa.
Thư Bác Hồ gửi Đảng bộ, nhân dân Nghệ An - Di chúc cho quê hương. (Ảnh tư liệu)

“Thân ái gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An” - Đó là lời mở đầu của bức thư Bác viết cho Đảng bộ. Trong muôn vàn tình yêu thương dành cho quê hương, có trách nhiệm của người đứng đầu đất nước đối với một địa phương. Không nhắc gì tới cá nhân, tới sức khỏe của bản thân, điều Người quan tâm và trăn trở nhất vẫn là thành tích của tỉnh nhà trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống đế quốc Mỹ. “Tôi vui mừng nhận thấy đồng bào, chiến sỹ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên tỉnh ta đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu tốt”; “Tôi cũng vui mừng nhận thấy cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đã bước đầu sửa chữa tệ quan liêu, mệnh lệnh...”; Và “Như thế là đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống vẻ vang của quê hương Xô - Viết...”.

Ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An
Ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An

Chia sẻ của ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An: Trong bức thư cuối cùng Bác nói, Nghệ An là địa phương đất rộng, người đông, có truyền thống nên Nghệ An phải phấn đấu sớm trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc. Đó là Bác mong muốn, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Nghệ An trăn trở để thực hiện được mong muốn của Bác.

Đối với Người, truyền thống cách mạng của quê hương là niềm tự hào sâu sắc, không chỉ là sợi chỉ đỏ nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách, lòng yêu nước và hun đúc tư tưởng cách mạng tiến bộ của Người, mà còn là di sản thiêng liêng Người mong muốn Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Nghệ An phải luôn giữ gìn, trân trọng và phát huy tốt hơn nữa. Biểu dương thành tích của quân và dân Nghệ An là một phần, điều cốt lõi, linh hồn của bức thư cuối cùng Bác viết cho Đảng bộ Nghệ An chính là nhắn nhủ những việc Đ bộ cần làm trước lúc Người đi xa. Người viết: “Sắp tới phải làm gì? Đó là: Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa/ Khôi phục và phát triển kinh tế/ Hết sức chăm lo đời sống nhân dân và cố gắng góp nhiều công sức hơn nữa để cùng quân và dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.

Nói về bức thư của Bác Hồ gửi riêng cho tỉnh Nghệ An, ông Chu Đức Tính – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: Bác Hồ rất đặc biệt, dành toàn bộ tâm lực cho tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng. Trước lúc ra đi, ngoài di chúc lịch sử cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam, Bác đã có thư riêng dành cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An.

Người dân Nghệ An đứng hai bên đường vẫy chào đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 năm ngày 9/12/1961 .
Người dân Nghệ An đứng hai bên đường vẫy chào đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 năm ngày 9/12/1961. (Ảnh tư liệu)

Người mong muốn quê hương của mình – Nghệ An Xô Viết, phải luôn đi đầu dậy trước. Không phải chỉ trong tiếng trống 1930 - 1931, trong các giai đoạn đấu tranh giành độc lập, tư do, mà cả trong công cuộc đi lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Nghệ An phải luôn phấn đấu để trở thành điển hình, là hình mẫu cho khu vực, cho cả nước. Chính vì thế, mong mỏi cuối cùng của Người với đồng bào, đồng chí tỉnh nhà chính là: “Ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Ông Trường Công Anh – Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bức thư chỉ có 1-2 trang, nhưng Người đã gói gọn tất cả tình cảm của mình, nhất là mong mỏi đối với tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đặc biệt chăm lo đời sống nhân dân. Đó là di sản đi cùng năm tháng để Nghệ An coi là sức mạnh tinh thần, giúp Nghệ An vượt qua khó khăn.

Ông Chu Đức Tính – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: Những lời dạy của Người đến hôm nay vẫn là những định hướng quan trọng. Bác dạy chúng ta phải ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, Nghệ An phải là một trong những tỉnh kiểu mẫu của cả nước. Nghệ An có quyền tự hào là mảnh đất sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi đầu thực hiện Di chúc Bác Hồ.

Quê hương nghĩa trọng tình cao. Trong cái tình riêng dành cho quê hương, có lẽ cao hơn hết chính là trách nhiệm của một vị lãnh tụ đối với đất nước. Kỳ vọng quê hương phát triển, lớn mạnh và trở thành tỉnh khá không chỉ vì quê hương của Người mà còn vì sự hưng thịnh của đất nước. 50 năm qua, với niềm thành kính sâu sắc đối với Người, và cả trách nhiệm của một vùng đất cách mạng đối với Tổ quốc, Nghệ An vẫn đang nỗ lực thực hiện di huấn thiêng liêng mà Người dành trọn cả cuộc đời để hiện thực hóa.

 

Thanh Huyền – Cảnh Toàn