Thời sự - Chính trị

Xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử 

10:38, 12/02/2020
Dưới sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TTTT, sáng nay (12/2), Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức hội nghị trực tuyến với các ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử Bộ ban ngành, địa phương. 

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), hiện thực hóa chủ trương Chính phủ phục vụ, kiến tạo: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.  Từ đó đã có chuyển biến cơ bản trong việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, và rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%.

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hội nghị cần thảo luận đánh giá về những kết quả đạt được trong thời qua, phân tích những cản trở, khó khăn, đưa ra những nhiệm vụ giải pháp mới để triển khai trong năm 2020, một năm đầy biến cố và thách thức... Cần có những định hướng để các địa phương có thể triển khai một cách hiệu quả nhất về các giao dịch điện tử, và phải chuyển từ nhận thức sang hành động.

 
 Tại điểm cầu Nghệ An.

Báo cáo những vấn đề trọng tâm trong triển khai CPĐT, ngoài việc đánh giá những kết quả đạt được cũng đã chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc xây dựng chính phủ điện tử như: Các Nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành kịp thời; Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống thông tin của các Bộ với các hệ thống thông tin của các địa phương còn hạn chế; Hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; Thiếu chiến lược đào tạo cán bộ, công chức, viên chức để hình thành phương thức quản lý, điều hành mới... 
Tại Nghệ An, Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử liên thông hoạt động từ ngày 10/01/2017. Hiện có 20 sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị tham gia. Đến nay, đã cung cấp trên hệ thống gần 1.800  dịch vụ công trực tuyến, trong đó có trên 1.100 dịch vụ công mức độ 2; gần 600  dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 50 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4... Với tầm nhìn, năm 2020 là năm đầu tiên chuyển sang Chính phủ số, chính quyền số, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã đặt ra các mục tiêu: Hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020 tại Nghị quyết số 17, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng từ 50% lên 100%. 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu... 
 

Bùi Thọ- Chu Quý

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện